Lời Bác dạy cho người làm báo: Gần 100 năm vẫn nguyên giá trị thực tiễn
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 21/06/2022
Sáng 20/6/2022, viên chức, cán bộ, viên chức và người lao động Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã tham dự sinh hoạt chuyên đề “Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam” với báo cáo viên là ông Phạm Minh Tâm - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM. Đây là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022) của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn.
Ông Tâm cho biết, trong sự nghiệp làm báo, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo, sử dụng hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh; trực tiếp cho ra đời 9 tờ báo như Người Cùng Khổ, Quốc tế Nông dân, Thanh Niên, Công Nông, Việt Nam Tiền Phong, Việt Nam Độc Lập, Cứu Quốc…
Trong bài nói chuyện của mình, ông Tâm dành phần lớn thời gian để chia sẻ và phân tích những lời dạy của Bác dành cho người làm công tác báo chí:
Bác dạy: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Theo ông Tâm, điều đó đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn trong công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay. Ông cũng lưu ý, khi viết về những sai phạm của các cá nhân, tổ chức, báo chí cần có chừng mực để tránh bị các thế lực bên ngoài lợi dụng để xuyên tạc sự thật.
Ông Phạm Minh Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM, báo cáo viên buổi chuyên đề chia sẻ những tư tưởng của Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam với cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Ảnh: Thanh Lâm |
Bác dạy: “Báo chí là vũ khí cách mạng sắc bén, phải phục vụ nhân dân, cách mạng”. Áp dụng vào thực tiễn, ông Tâm đề xuất Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cần tuyên truyền hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư kinh doanh đến các doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua Tạp chí, vận động doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ cho xã hội để giúp đỡ người dân khó khăn về thuốc men, thực phẩm,…
Báo chí cần biểu dương cái tốt, chống cái xấu, tuy nhiên, “Phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy” như lời Bác dạy. Ông Tâm diễn giải, báo chí cần tôn trọng sự thật, viết khách quan, nhận định chính xác, tránh một chiều hay đưa tiêu đề không rõ ràng khiến độc giả hiểu nhầm theo hướng tiêu cực. Điều này cũng được Bác Hồ lưu ý từ gần 100 năm trước: “Viết phải có căn cứ, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết””.
Buổi nói chuyện chuyên đề giúp cán bộ, viên chức Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ để áp dụng vào thực tiễn, góp phần giúp Tạp chí ngày càng phát triển hơn. Ảnh: Thanh Lâm |
Bác dạy “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi, có nội dung”, qua đó giữ gìn tiếng Việt trong sáng và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình.
Trong khuôn khổ buổi sinh hoạt, ông Phạm Minh Tâm cũng giới thiệu một số nội dung cơ bản của tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa Xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.