Ngủ trong ánh sáng: Bất kỳ mức nào cũng tổn hại sức khỏe
Sống khỏe - Ngày đăng : 08:29, 23/06/2022
“Trong khi ngủ, mọi người nên cố gắng hết sức để tránh tiếp xúc hoặc giảm thiểu số lượng ánh sáng" |
Những tổn hại có thể xảy ra cho cơ thể khi có ánh sáng trong phòng ngủ vào ban đêm
Ngay cả ánh sáng mờ cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính ở người lớn tuổi. Phyllis Zee - Trưởng khoa Y học về giấc ngủ tại Trường Y Feinberg thuộc ĐH Northwestern ở Chicago (tiểu bang Illinois, Mỹ) nói với CNN: "Nam giới và nữ giới lớn tuổi khi tiếp xúc với bất kỳ số lượng ánh sáng nào trong khi ngủ đều dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp cao hơn".
Bà nói thêm: “Trong khi ngủ, mọi người nên cố gắng hết sức để tránh tiếp xúc hoặc giảm thiểu số lượng ánh sáng".
Hồi đầu năm nay, Zee và các cộng sự đã nghiên cứu vai trò của ánh sáng trong giấc ngủ đối với số người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi 20. Chỉ ngủ một đêm với ánh sáng mờ, chẳng hạn như tivi đã tắt âm thanh, số người trẻ tuổi đang ngủ cũng tăng lượng đường trong máu và tăng nhịp tim.
Trong các nghiên cứu trước đây, nhịp tim tăng cao vào ban đêm đã được chứng minh là một yếu tố nguy hại dẫn đến bệnh tim và tử vong sớm trong tương lai, trong khi lượng đường trong máu cao hơn là một dấu hiệu của kháng insulin, cuối cùng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.
Zee giải thích, ánh sáng mờ đi vào mí mắt và làm gián đoạn giấc ngủ của những người trẻ tuổi, mặc dù trên thực tế là họ đã nhắm mắt ngủ. Chúng ta có thể chia giấc ngủ thành hai trạng thái ngủ, đó là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và ngủ chuyển động mắt chậm (NREM). Giấc ngủ vào ban đêm của mỗi người đều có sự luân phiên lặp lại hai trạng thái này (từ 5 - 6 lần). Số lượng ánh sáng nhỏ bé đi vào mí mắt sẽ làm gián đoạn quá trình lặp lại luân phiên hai trạng thái này là lý do dẫn đến sự tổn hại cho sức khỏe.
Những người để số lượng ánh sáng nhiều hơn vào ban đêm trong khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì hoặc tăng huyết áp |
Sự đo lường khách quan
Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Sleep hôm thứ Tư 22/6 tập trung vào nhóm người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Đồng tác giả, Tiến sĩ Minjee Kim - Phó giáo sư Thần kinh học tại Trường Y Feinberg thuộc Trường ĐH Northwestern, Chicago, tường trình: “Chúng tôi muốn xem liệu có sự tương đồng nào về tỷ lệ mắc các bệnh này với việc tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm khi ngủ hay không".
Thay vì kéo mọi người vào phòng thí nghiệm về giấc ngủ, nghiên cứu mới sử dụng bối cảnh thế giới thực. Các nhà nghiên cứu đã cho 552 người đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 63 đến 84 đeo một thiết bị nhỏ giống như đồng hồ đeo tay để đo chu kỳ giấc ngủ, chuyển động trung bình và sự tiếp xúc với ánh sáng.
Zee nói: “Chúng tôi thực sự đo số lượng ánh sáng mà một người tiếp xúc với một cảm biến trên cơ thể và so sánh với hoạt động ngủ và thức của họ trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ. Điều tôi nghĩ là khác biệt và đáng chú ý trong nghiên cứu của chúng tôi là chúng tôi có dữ liệu thực sự khách quan với phương pháp này".
Zee và nhóm của bà cho biết họ rất ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ dưới một nửa số đàn ông và phụ nữ trong nghiên cứu mới có thói quen ngủ trong bóng tối ít nhất 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
"Hơn 53% số người luôn giữ một ít ánh sáng trong phòng vào ban đêm và trong một phân tích thứ cấp, chúng tôi nhận thấy những người tiếp xúc với số lượng ánh sáng nhiều hơn vào ban đêm khi ngủ dễ mắc bệnh tiểu đường, béo phì hoặc tăng huyết áp".
Ngoài ra, Zee cho biết, những người ngủ với mức độ ánh sáng cao hơn thường đi ngủ muộn hơn, dậy muộn hơn. Bà nhận định: "Chúng tôi biết những người thường xuyên ngủ muộn cũng có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa cao hơn".
Với người lớn tuổi, thường thức dậy giữa đêm, hãy cân nhắc sử dụng đèn ngủ ở vị trí thấp gần sát mặt đất và chọn đèn có màu hổ phách hoặc màu đỏ |
Các giải pháp
Theo các chuyên gia, các giải pháp để giảm mức độ ánh sáng tiếp xúc vào ban đêm khi ngủ bao gồm: đặt giường của bạn xa cửa sổ hoặc sử dụng các tấm màn che cửa sổ cản hoàn toàn ánh sáng; tuyệt đối không sạc máy tính xách tay và điện thoại di động trong phòng ngủ, nơi ánh sáng xanh làm thay đổi melatonin, có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nếu phòng ngủ vẫn còn ánh sáng, dù mờ, hãy thử dùng mặt nạ ngủ để che mắt.
Zee còn khuyên: Khi bạn phải thức dậy giữa đêm, đừng bật đèn nếu không cần thiết. Nếu bạn cần đèn, hãy bật ánh sáng càng mờ càng tốt và chỉ chiếu sáng trong khoảng thời gian ngắn.
Vì những người lớn tuổi thường thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh, Zee cảnh báo người lớn tuổi nếu tắt hết đèn có thể bị ngã. Trong trường hợp này, bà khuyên nên sử dụng đèn ngủ đặt ở vị trí thấp, gần sát mặt đất và chọn bóng đèn có màu hổ phách hoặc màu đỏ. Quang phổ ánh sáng từ màu đỏ hoặc hổ phách có bước sóng dài hơn, ít xâm nhập và làm gián đoạn nhịp sinh học - hay còn gọi là "đồng hồ cơ thể" của con người - so với các bước sóng ngắn hơn như ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại di động, máy tính bảng hay máy vi tính.
(*) Theo Sandee LaMotte, CNN