Chứng khoán: Kỳ vọng gì trong 6 tháng cuối năm?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 25/06/2022

Bất chấp những phiên giảm giá mạnh gần đây, giới phân tích vẫn kỳ vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ diễn biến tốt hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2022.

Giảm mạnh trong nửa đầu tháng 6

Sau khi phục hồi trong nửa cuối tháng 5, TTCK tiếp tục giảm mạnh trong nửa đầu tháng 6 này. Từ đỉnh cao nhất trong vòng một tháng tại 1.317 điểm đạt được vào ngày 8/6/2022, trong 5 phiên sau đó, chỉ số VN-Index đã rớt về 1.195 điểm vào ngày 15/6/2022, tức mất 122 điểm, tương đương giảm 9,3%.

Trong đó, chỉ riêng phiên đầu tuần trước ngày 13/6/2022, VN-Index đã "bốc hơi" đến 57 điểm, tương đương mức giảm 4,44%. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường chạm đáy giữa tháng 5 vừa qua, khi lực bán dồn dập trong suốt phiên khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang và càng về cuối phiên càng có dấu hiệu hoảng loạn. 

Việc TTCK Mỹ giảm sâu trong phiên cuối tuần trước đó và các TTCK châu Á sụt giảm mạnh trong phiên buổi sáng cùng ngày đã tác động xấu lên TTCK Việt Nam.

-3633-1656054097.jpg

Lý giải về TTCK giảm mạnh trong nửa đầu tháng 6, giới phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu là mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, khi mà các chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ những tháng gần đây liên tục tăng. Trong phiên họp giữa tháng 6, FED đã nâng lãi suất cơ bản USD thêm 0,75%, đúng như những gì đồn đoán.

Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng Việt Nam đã tăng mạnh trong những tuần gần đây. Một số dự báo cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành trở lại từ nửa cuối năm nay để ứng phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Với những kênh đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán, xu hướng lãi suất đi lên không phải là tin đáng mong đợi, vì vậy nhà đầu tư càng có lý do để tạm thoát khỏi thị trường.

Dù vậy, việc hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, từ nhóm có tính đầu tư gần đây như cổ phiếu bất động sản, cho đến các cổ phiếu cơ bản vốn hóa lớn thuộc VN30, gồm cả nhóm ngân hàng, khiến giới đầu tư e ngại liệu có phải các đợt bán giải chấp lại diễn ra.

Kỳ vọng vào 6 tháng cuối năm

Bất chấp những phiên giảm mạnh gần đây, giới phân tích vẫn kỳ vọng thị TTCK Việt Nam sẽ diễn biến tốt hơn trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Như trong báo cáo chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán ACBS công bố mới đây, các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam và TTCK đều có vị thế tốt để tăng trưởng mạnh trong dài hạn, bất chấp những biến động ngắn hạn.

Dưới góc nhìn dài hạn, Quỹ Vinacapital cho rằng, TTCK Việt Nam có thể gặp biến động trong vài ba tháng tiếp theo, song sẽ tăng mạnh vào cuối năm nhờ niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về tăng trưởng lợi nhuận. 

Với những kênh đầu tư có tính rủi ro như chứng khoán, rõ ràng xu hướng lãi suất đi lên không phải là tin đáng mong đợi, vì vậy nhà đầu tư càng có lý do để tạm thoát khỏi thị trường.

Trong khi đó, Maybank Investment Bank vẫn nhận thấy sự phát triển lành mạnh cho dòng tiền. Thứ nhất là việc thanh khoản đang chuyển từ vốn hóa nhỏ và trung bình sang vốn hóa lớn trở lại. Thứ hai, các nhà đầu tư tổ chức đang có xu hướng quay trở lại. Thị phần giao dịch của nhóm này đã tăng 17% từ 10% vào cuối năm ngoái, đặc biệt với mức định giá hấp dẫn sau các đợt giảm mạnh vừa qua là lực hút quan trọng đối với sự quay trở lại của nhà đầu tư nước ngoài. 

Nhìn xa hơn, mặc dù hệ thống giao dịch mới có thể bị trì hoãn cho đến giữa năm 2023, điều này vẫn là chất xúc tác mạnh mẽ đối với dòng vốn nước ngoài vì nó sẽ cho phép FTSE nâng hạng quốc gia của Việt Nam lên "thị trường mới nổi". Về mặt điểm số, Maybank Investment Bank đưa ra dự báo mục tiêu VN-Index cuối năm đạt 1.550 điểm, tuy thấp hơn dự tính 1.800 điểm đưa ra trước đó, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với điểm số hiện nay. 

Ngược lại, ở góc nhìn thận trọng hơn, đội ngũ phân tích của Vnstockmarket cho rằng, trong ngắn hạn nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục đi ngang trong khoảng 1.200-1.400 điểm. 

Cũng cần lưu ý, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đang quyết tâm phát triển TTCK không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng. Hàng loạt chỉ đạo và hành động quyết liệt chấn chỉnh thị trường ở khối doanh nghiệp và lãnh đạo liên quan đã được thực hiện.

Khánh Phương