Mâm tròn: Nét văn hóa độc đáo của người Việt

Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 26/06/2022

Một trong những nét văn hóa cổ xưa của người Việt còn lưu giữ đến ngày nay là bàì trí các món ăn trên chiếc mâm tròn.
Mâm tròn: Nét văn hóa độc đáo của người Việt

Ở nông thôn Bắc Bộ có câu “Cái mâm đi liền cái chiếu”, tức dọn mâm cơm thì phải có chiếc chiếu. Những đêm trăng, chiếu trải giữa sân với mâm cơm tối quây quần cả nhà, cha nhấp chút rượu, mẹ gắp thức ăn vào bát cho con, ấm cúng và hạnh phúc biết bao!  

Sơ khai, chiếc mâm tròn được đan bằng tre. Ở Huế, có nhà chuyên sưu tầm vật dụng thường ngày sưu tầm được chiếc mâm đan bằng tre và mây ngâm nước lâu ngày, xông khói, đã hơn thế kỷ mà như mới. Rồi mâm gỗ ra đời, chủ yếu tiện bằng gỗ mít vì không cong vênh, dùng càng lâu càng “lên nước” bóng đẹp. Qua thời gian, lại có mâm đồng. Loại mâm này thường dùng soạn đồ cúng để tăng sự trịnh trọng và thiêng liêng. Sau cùng là mâm nhôm vừa nhẹ vừa bền, được dùng phổ biến thời bao cấp và kéo dài đến nay. Hiện nay còn có mâm tròn nhựa nhưng rất hiếm người mua.

Nhà đông người hay dịp đãi khách, chiếc mâm tròn không đủ chỗ cho thức ăn, ai đó đã “mở rộng” thành cái nia, nhưng không phải cái nia tre sàng sảy thông thường mà đẹp như đồ mỹ nghệ thủ công. 

Có lẽ từ chiếc mâm tròn mà người ta sáng chế ra chiếc bàn ăn hình tròn cho 8, 10, 12, nhiều nhất là 14 người cùng dùng bữa. Nhiều người bên chiếc bàn tròn, khó lấy thức ăn, người ta lại sáng chế bàn tròn xoay, một tầng hoặc hai tầng.

Đến nay, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta, dù nhà sạch sẽ cũng không dọn thức ăn ra sàn mà dọn trên mâm đan bằng tre và mây, lại có chân, có loại chân cao đến 0,8 mét, chẳng khác mấy một chiếc bàn tròn bằng gỗ hay inox. Bàn tròn đan bằng tre và mây của đồng bào các dân tộc Thái, Nùng, Dao, Thổ...rất tinh xảo với vân nổi vân chìm màu sắc hoàn toàn tự nhiên, rất trang nhã, không chỉ được dùng hằng ngày mà còn là hàng thủ công mỹ nghệ, nhiều du khách mua kỷ niệm, có cái giá gần triệu đồng. 

Mâm cơm hình tròn tạo cảm giác đủ đầy, ấm cúng, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Từng món ăn bày biện hết trên mâm, người dùng tự chọn theo sở thích. Vì thế mà ngày nay, vùng nông thôn, nhất là ở miền Bắc và miền Trung, dù đời sống đã khấm khá, nhiều nhà có đủ tiện nghi hiện đại, nhưng đến bữa ăn, bà lại sai cháu trải chiếu, mẹ lại bảo con gái dọn thức ăn ra mâm... 

Tỉnh Châu