M&A doanh nghiệp: Tính minh bạch là tiêu chí hàng đầu

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 02:23, 28/06/2022

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội mới thông qua việc mở rộng thị phần, nâng cao quy mô hoạt động, tối ưu hóa nhân sự, cải thiện tình hình tài chính, tận dụng công nghệ có sẵn… .
M&A doanh nghiệp: Tính minh bạch là tiêu chí hàng đầu

Các đại biểu tham gia hội thảo

Tuy nhiên, mặt khác, doanh nghiệp (DN) cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong các thương vụ M&A.

Ngày 28/6/2022, Trường ĐH Hoa Sen (HSU) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “M&A - Thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” nhằm hỗ trợ các DN và các hiệp hội ngành nghề tại TP.HCM cập nhật kiến thức về lĩnh vực này. Chương trình đã thu hút được sự tham gia của gần 100 DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (SME).

Buổi hội thảo có sự dẫn dắt của ThS. Nguyễn Quốc Cường – Phó chủ tịch USIS Group cùng các diễn giả là các chuyên gia uy tín trong ngành. 

-2375-1656404718.png

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về cơ hội và thách thức cho SME trong các thương vụ M&A

ThS. Lê Phụng Hào - Chủ tịch Global AAA Consulting, chia sẻ: DN muốn M&A phải chuẩn bị một hồ sơ “sạch”. DN cần có chiến lược, lộ trình rõ ràng trong từng giai đoạn, giai đoạn nào cần mở rộng để thu hút nguồn lực tài chính bên ngoài để phát triển công ty, khi nào cần bán công ty. Điều này, đòi hỏi chủ DN phải có tư duy, biết nhìn gần nhưng cũng phải có tầm nhìn xa; phải có đam mê trong việc kinh doanh và phải thể hiện tài năng, đặc biệt là phải minh bạch tài chính để các nhà đầu tư tin tưởng rót vốn.

Ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Công ty KIDO, cho rằng: Khi muốn bán công ty cho đối tác được giá, DN phải đặt ra các câu hỏi: DN có cái gì để bán, vị trí của DN ở đâu trong lĩnh vực kinh doanh của mình...? "Bạn nên bán cái người ta đang cần và độc đáo, chắc chắn bạn sẽ được đón chào với “deal” tốt", ông Danh nói.

Bên cạnh đó, bạn phải nhờ công ty tư vấn giúp bạn chỉ ra những thế mạnh và điểm yếu của mình. Các nhà đầu tư đánh giá cao tính chân thật. "Đừng vẽ bức tranh màu hồng trong hoạt động kinh doanh của DN bạn, các nhà đầu tư có nhiều cách để tìm ra lỗ hổng, khi ấy chắc chắn bạn sẽ thất bại", ông Danh nhắc nhở.

ThS.LS. Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc Công ty Luật YNK, nhìn nhận: “Theo kinh nghiệm tư vấn của chúng tôi, tính minh bạch luôn được đặt lên hàng đầu khi thực hiện M&A. Sổ sách giấy tờ ít nhất trong ba năm gần nhất phải “sạch”, nhà đầu tư mới làm việc với DN. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Viêt Nam, chưa có hệ thống phần mềm, đa phần đều làm bằng excel, việc thay đổi dữ liệu rất dễ, nên các báo cáo tài chính không được “đẹp” trong mắt nhà đầu tư. Bên cạnh đó, DN không chỉ “sạch” về tài chính, còn phải tuân thủ nghiêm luật lao động, tất cả nhân viên phải được ký hợp đồng lao động, nếu sa thải phải sa thải đúng luật. Đồng thời, nguồn nguyên vật liệu cũng minh bạch trong mua và bán, hạn sử dụng…”.

Theo các diễn giả, M&A sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng giá trị doanh nghiệp, nâng cao qui mô và giảm chi phí, cải thiện nguồn lực tài chính và nâng cao trình độ công nghệ - kỹ thuật cho nhân sự của DN. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách thức trong thị trường M&A tại Việt Nam.

Hoạt động M&A trong thời gian vừa qua đã chỉ ra rằng thị trường vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, bao gồm sự bất cập trong khuôn khổ chính sách chung, sự thiếu hụt kiến thức về mua bán và sáp nhập DN, nhất là các DN vừa và nhỏ chưa có sự chuẩn bị kỹ cho quá trình này. 

Trong khuôn khổ chương trình, Trường Đại học Hoa Sen cũng giới thiệu và tri ân đội ngũ Giảng viên – Doanh nhân đã đồng hành với Trường trong các chương trình cao học theo phương châm đào tạo “thực chiến” và khai phóng, giúp học viên có thêm cơ hội được trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành cũng như mở rộng kết nối chuyên nghiệp.

Phạm Dung