Chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (GH) ở trẻ

Sống khỏe - Ngày đăng : 01:59, 30/06/2022

Thiếu GH là một rối loạn nội tiết phổ biến, một trong những nguyên nhân quan trọng gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ.
Chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng (GH) ở trẻ

Trong cơ thể người, GH được tiết ra từ tuyến yên ở não. GH đóng vai trò quan trọng lên sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời GH còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, protein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch. Thiếu GH ở trẻ em có thể đơn độc hoặc đi kèm với sự thiếu hụt các hormone tuyến yên khác. Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5cm/năm).

Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình) có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti cũng như không thể tham gia các hoạt động, công việc có kèm theo yêu cầu về chiều cao. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH như thiếu tập trung, trí nhớ kém...

Trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH được chỉ định bổ sung GH. Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt GH cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung. Bổ sung GH ngoài được chỉ định cho các trường hợp thiếu GH, còn được chỉ định điều trị trong trường hợp trẻ chậm cao do suy thận mạn, hội chứng Turner, hội chứng Prader-Willi, trẻ sinh ra có chiều cao thấp so với tuổi thai (SGA), lùn vô căn (GHD, ISS).

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ hai tăng 12cm, năm thứ ba tăng 10cm, năm thứ tư tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm. Nếu trẻ không đạt mức tăng trưởng chiều cao bình thường đó, cha mẹ nên nghĩ ngay đến việc cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm. 

Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)... Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH, theo thống kê trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3.000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết. 

Hiện Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang có chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” từ 8-12 giờ thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, từ ngày 25/6 - 17/7/2022. 

P.V