Chưa có sản phẩm hoàn chỉnh cho du lịch chăm sóc sức khỏe
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 01/07/2022
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo TS. Trương Sỹ Vinh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, du lịch chăm sóc sức khỏe đã và đang trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Nhiều du khách lựa chọn loại hình du lịch này để kết hợp nghỉ dưỡng với chăm sóc, cải thiện sức khỏe, thể chất và tinh thần. Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, tài nguyên thiên nhiên đa dạng từ rừng đến biển, hệ thống suối khoáng nóng, bùn nóng trải dài cả nước; nhiều khu vực có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, nền y học cổ truyền phát triển... rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.
Chuyên gia du lịch, TS. Nguyễn Văn Lưu - nguyên Vụ phó Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra dự báo, ngành du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới trong năm nay sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD. 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu loại hình này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn cầu.
Hiện một số công ty du lịch trong nước đang xây dựng bổ sung sản phẩm du lịch thiền, yoga, các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng ở những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành, song hành cùng các tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá vốn đã quá quen thuộc.
Tuy nhiên, theo ông Thệ, phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn đầu, các sản phẩm chưa thật sự đặc sắc và chủ yếu khai thác theo hình thức dịch vụ riêng lẻ. Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết để phát triển loại hình này cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình chăm sóc sức khỏe.
Tại buổi tọa đàm về du lịch sức khỏe diễn ra ở Ngày hội Du lịch TP.HCM, bà Tạ Thị Tú Uyên - Phó giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ Vietravel cũng thừa nhận, tới thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch gần như rất khó để triển khai sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe một cách trọn vẹn vì còn hạn chế về hạ tầng dịch vụ, thiếu đội ngũ kỹ thuật có tay nghề. Các công ty du lịch, nếu triển khai du lịch chăm sóc sức khỏe, y tế, nha khoa... cũng chỉ dừng ở mức độ xây dựng thêm dịch vụ cho khách lựa chọn mà thôi.
Cần giải pháp đồng bộ
Theo bà Uyên, để du lịch chăm sóc sức khỏe tiếp cận gần hơn và dễ hơn với du khách, ngoài việc cơ quan quản lý ngành y tế, du lịch làm cầu nối, các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cùng hỗ trợ và tạo điều kiện cho khách của lữ hành.
Kiến trúc sư Cao Trung Nghĩa cũng khẳng định, hiện Việt Nam chưa có một điểm nào đáp ứng đúng quy chuẩn về du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói. Vì thế, để giải bài toán này, các địa phương có lợi thế về thiên nhiên, khí hậu ôn hòa, mát mẻ có thể triển khai trước nhưng phải có quy hoạch từng khu vực rõ ràng. Loại hình du lịch này giúp tái tạo năng lượng, tinh thần nên cần không gian thật sự yên tĩnh, biệt lập mới mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, một số resort có dịch vụ thiền hay yoga nhưng chưa đầu tư đúng thật.
Còn ông Nguyễn Quốc Thệ lại cho rằng, cần chú trọng đầu tư cả về nguồn lực nhân sự. Du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch đặc thù, nghĩa là từ nhân viên tư vấn tour, hướng dẫn... đều phải nắm được kiến thức về sức khỏe, về cách thức hay phương pháp đơn giản để hỗ trợ thêm cho khách. Ngay cả món ăn thực dưỡng hay sản phẩm detox cũng phải dựa vào cơ địa của mỗi khách để lên thực đơn phù hợp.
Đặc biệt, ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này, xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước.
GS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cũng đề xuất cần đưa loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe thành một loại hình trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Chính phủ cần có chính sách và quy hoạch phát triển loại hình du lịch này để không chỉ nâng cao sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam, mà còn thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu cho ngân sách.