76% doanh nghiệp EU muốn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:34, 05/07/2022
Khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) của EuroCham được thực hiện với hơn 1.200 thành viên đang hoạt động trong hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam chỉ ra, sau khi tăng trong quý đầu tiên, BCI đã giảm 4,4 điểm phần trăm trong quý II xuống 68,8 điểm.
Nguyên nhân là do một số yếu tố như cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa tăng đột biến và hiệu ứng của chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc... đã ảnh hưởng và làm giảm kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. So với quý I trước đó, lãnh đạo doanh nghiệp EU cho thấy niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đã giảm xuống. Theo đó, có 60% số người được hỏi dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III, trong khi con số này quý trước là 69%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy các rào cản đối với hoạt động đầu tư và thương mại giữa doanh nghiệp EU và Việt Nam là vấn đề cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; phát triển cơ sở hạ tầng... Trong đó, 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các khó khăn chính mà các công ty nước ngoài gặp phải liên quan tới các thủ tục hành chính - điều làm cản trở khả năng của họ trong việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
EuroCham cho rằng, niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp EU ghi nhận sự suy giảm nhẹ trong quý II nhưng các yếu tố ảnh hưởng đến hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, nhiều ngoại tố đang góp phần gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu và vấn đề này không phải của riêng Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo BCI cũng cho thấy có 45% lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam. Đồng thời, 76% lãnh đạo kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III. Điều này có thể là do 55% số người trả lời cho biết Việt Nam đã cải thiện khả năng thu hút và duy trì vốn FDI kể từ quý I/2022.