Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để bảo vệ bí mật kinh doanh?
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 05:36, 08/07/2022
Chúng ta thường không bàn luận về những điều chúng ta không biết hoặc không có khái niệm đó là gì. Các nhà điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam đủ bận rộn để chỉ xem những tin tức thiết yếu với lĩnh vực kinh doanh của họ, và phần lớn truyền thông nói nhiều về các mảng khác nhau của sở hữu trí tuệ, nhưng không phải về bí mật kinh doanh. Doanh nhân không phải là các nhà lập pháp, mối quan tâm của họ xoay quanh dòng tiền, lợi nhuận và sự tăng trưởng của doanh nghiệp (DN). Chưa kể, luật Việt Nam đi sau các nước hàng chục năm. Có lẽ vì vậy, nguồn thông tin về bí mật kinh doanh, đã ít ỏi, càng trở nên khó tiếp cận.
Ở Việt Nam, đặc biệt các SME thường biết tới sở hữu trí tuệ thông qua báo chí, blog, Facebook, cộng đồng hoặc bạn bè thân thiết, trong khi ở nước ngoài, phần lớn các DN tìm đến luật sư chuyên ngành để có được tư vấn về sở hữu trí tuệ. Chưa kể các nguồn tài liệu của cơ quan lập pháp, hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ vô cùng phong phú tạo điều kiện cho mọi người tham khảo và học tập. Điều này có lẽ tạo nên khuynh hướng phiến diện trong việc lựa chọn điều cần quan tâm và lựa chọn bảo vệ sở hữu trí tuệ của SME ở Việt Nam, nơi mà các nguồn thông tin phần lớn tập trung đến sáng chế, thương hiệu và quyền tác giả.
Trong quá trình mở rộng, rất nhiều DN nhận ra rằng có những thông tin mang giá trị sống còn đối với việc kinh doanh của họ nhưng họ không thể đăng ký sáng chế, nhãn hiệu hay quyền tác giả cho những thông tin này. Quá trình thử nghiệm thuốc, cách sắp xếp đoạn code, công thức gà rán, tỷ lệ trộn các thành phần của một loại nước uống, quá trình phơi khô lá để không bị mốc mà vẫn giữ được mùi hương, cách chiết xuất tinh dầu, cách phối hợp các loại lá rừng tạo thành bài thuốc…
Những thông tin nói trên không thể đăng ký dưới sự bảo hộ nào của bộ ba tài sản trí tuệ cổ điển và mối quan tâm của DN là giữ những thông tin này bí mật. Việc cố tình hay vô tình đăng ký dưới ba nhóm bảo hộ trên buộc DN phải công khai các thông tin này.
Nỗi buồn “bản sao” hay hơn ”bản chính”
Ở thời điểm bí mật kinh doanh bị “bật mí”, các công ty, DN phải chuẩn bị tâm thế rằng họ sẽ đối mặt với rất nhiều bản sao “hợp lệ” xuất hiện trên thị trường dựa trên thông tin họ chia sẻ, và đôi khi “bản sao” lại tốt hơn “bản chính”!
“Bản sao” lúc này có thể hợp pháp mang đi tài nguyên tri thức của “bản chính”, đồng thời phát triển sản phẩm tốt hơn, ở thời điểm như vậy, các chuyên gia thường khuyên khách hàng là các chủ sở hữu DN nên bình tĩnh và tìm cách xử lý một cách sáng suốt vì khả năng mất thị phần và lợi nhuận là vô cùng lớn.
Hậu quả về đánh mất bí mật kinh doanh ở Việt Nam là một bức tranh không hoàn chỉnh bởi bí mật kinh doanh chưa phổ biến, nhưng ở các quốc gia phát triển, các vấn đề nghiêm trọng do hành vi ăn cắp bí mật kinh doanh được đo lường và các con số gây choáng váng người đọc.
Trong vụ án về ăn cắp bí mật kinh doanh AMSC vs Sinovel, thay vì trả cho AMSC hơn 800 triệu USD cho các sản phẩm và dịch vụ về công nghệ tuabin gió mà AMSC có, Sinovel đã ấp ủ một kế hoạch để ăn cắp một cách trắng trợn công nghệ tuabin gió độc quyền của AMSC, gây mất gần 700 việc làm và làm bốc hơi 1 tỷ USD vốn cổ đông tại AMSC.
Tập đoàn Volkswagen cũng từng vướng vào vấn đề này. Năm 1997, công ty đã phải trả 100 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại và đồng ý mua 1 tỷ USD phụ tùng ô tô từ GM. Điều này đã khép lại vụ kiện dân sự về bí mật kinh doanh trong đó Volkwagen đã thuê các cựu giám đốc điều hành của GM, những người đã mang bí mật thương mại của GM cho Volkswagen.
Theo nghiên cứu của Nicola Searle and Andrew Vivian về hậu quả của chiếm đoạt bí mật kinh doanh lên tình hình kinh doanh của DN, thiệt hại được cho là tiêu tốn từ 1-3% GDP ở các nước phát triển và hàng loạt công ty tuyên bố mất việc làm và cổ đông.
Đối với tiệm mì của chú Dảng (https://thesaigontimes.vn/bi-mat-kinh-doanh-chuyen-cua-chu-dang/) việc đánh mất bí mật kinh doanh đồng nghĩa việc mất ngôi vương trong món mì thạch ở phố Tàu. Một tuần sau khi có sự xuất hiện của các “bản sao” mì thạch, chú ước chừng mất 30% khách hàng, và hiện khách vẫn giảm trong khi tiền nhà và nguyên liệu thì tăng đều. Khi chú độc quyền mì thạch ở khu này, chú không nhìn thấy sự cạnh tranh gay gắt, thứ duy nhất chú nhìn thấy là sự độc quyền tạo ra bởi công thức món mì bí mật và lợi nhuận mà sự độc quyền đó mang lại.
Chú Dảng không thể quay lại quá khứ để rút lại “buổi chia sẻ công thức miễn phí” trong cơn say, giờ chú phải tìm cách khác để thu hút khách nếu không chú sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Đó là hậu quả mà cửa tiệm nhỏ của chú đang hứng chịu vì để lộ bí mật kinh doanh. Từ câu chuyện chú Dảng, các DN nên nhìn nhận lại tầm quan trọng của bí mật kinh doanh và đưa loại tài sản trí tuệ này vào các cuộc nói chuyện mang tính thường niên của DN.
Làm gì để bảo vệ bí mật kinh doanh?
Việt Nam chưa có luật riêng về bí mật kinh doanh, nhưng bộ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 có quy định: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh” (khoản 23 điều 4).
Điều 84 có quy định điều kiện để bí mật kinh doanh được bảo hộ như sau: 1. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó. 2. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được. 3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Các điều luật về bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cung cấp hiểu biết và cái nhìn chung về bí mật kinh doanh, nhưng giống như các điều luật tương tự của các quốc gia khác, các quy định này không cung cấp các cách thức bảo vệ chi tiết và hành động cần phải làm để bảo vệ sự bí mật của thông tin kinh doanh. Bởi lẽ, không có DN nào là giống nhau, bí mật kinh doanh vì thế cũng muôn hình vạn trạng, việc này cũng tương tự như một công thức toán học không thể áp dụng để giải mọi bài toán.
Doanh nghiệp cần tham vấn chuyên gia để tạo ra một lộ trình bảo hộ sở hữu trí tuệ riêng cho DN. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đưa ra các phương án chung nhất: hợp đồng bảo mật, hợp đồng không cạnh tranh (sau khi nhân viên chấm dứt lao động nhưng phải dựa trên một vài điều kiện nhất định), hoặc chế định “garden leave” (nghỉ ngơi trong vườn) – một chế định phổ biến ở Vương quốc Anh.
“Garden leave” cho phép nhân viên được hưởng mức lương hiện tại mà không phải làm việc, hoặc thôi giữ những chức vụ quan trọng hoặc không tham gia vào những cuộc họp, dự án mà ở đó bí mật kinh doanh có khả năng được thảo luận. Chế định "garden leave" có thể kéo dài từ một đến ba tháng tùy vào vị trí và tính chất công việc của người lao động và, thường áp dụng khi một nhân viên nắm giữ những bí mật kinh doanh nộp đơn xin nghỉ việc. Tất cả những phương án này cần có sự tham gia tư vấn kỹ càng của chuyên gia để bảo đảm tính hợp pháp của hợp đồng và quy trình, cũng như quyền tự do làm việc và sử dụng kiến thức của người lao động khi chuyển việc.
Việt Nam có một hành lang pháp lý để bảo vệ bí mật kinh doanh của DN là một điều tốt. Nhưng hiệu quả hơn cả là DN Việt Nam, nhất là các DN SME nên yêu cầu tư vấn các giải pháp về bảo hộ bí mật kinh doanh chẳng hạn như thiết lập bảo mật điện tử và tạo hợp đồng bảo mật cho các bên tham gia trong quá trình sản xuất. Điều này vô cùng quan trọng vì khi một DN đối mặt với việc kiện tụng ở toà án liên quan tới ăn cắp bí mật kinh doanh, họ phải chứng minh những nỗ lực cụ thể mà DN đã thực hiện để bảo hộ tài sản trí tuệ của mình, nếu nỗ lực không được chứng minh, phần thua là rất lớn.
Bí mật kinh doanh không phải một khái niệm xa lạ học thuật như nhiều người vẫn nghĩ, đây là một khái niệm gắn liền với đời sống DN hằng ngày. Việc không dành một sự quan tâm cần thiết cho việc bảo mật bí mật kinh doanh cũng giống như việc mời đối thủ cạnh tranh vào phòng và mở sẵn két tiền cho họ lấy. Bên cạnh cân nhắc bảo hộ sáng chế, thương hiệu, và quyền tác giả, các DN, đặc biệt là SME phải cân nhắc tới những giải pháp phù hợp để bảo vệ bí mật kinh doanh nếu không muốn rơi vào trường hợp lợi nhuận và thị phần “mất rồi là mất hẳn”.
(*) Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn