Sự thật về việc gắn cảm xúc cá nhân vào công việc
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:06, 10/07/2022
Ngay cả trong ngày tồi tệ nhất, chúng ta luôn có khả năng lèo lái cuộc sống chính mình. |
Thế giới đang đi qua một “cơn bão cảm xúc” vì đại dịch. Bất kể bạn chuyển sang làm việc từ xa hay không, sự thật là ranh giới giữa đời sống công việc và đời sống riêng của chúng ta đang mờ dần đi. Điều này đã đưa con người một đến nhận thức mới về tầm quan trọng của việc tìm hiểu và điều tiết cảm xúc trong công việc.
Cảm xúc hé mở cho chúng ta tìm thấy những giá trị sâu thẳm nhất của mỗi người. Cảm xúc chỉ ra điều chúng ta thật sự quan tâm đến và là động lực thúc đẩy ta tiến đến phía trước. Susan David, chuyên gia tâm lý của trường Y Harvard và là tác giả của Emotional Agility, kết luận rằng: “Những cảm xúc nguyên bản là sứ giả truyền tải thông điệp chỉ ra những điều quan trọng trong mỗi người, và những thông điệp mà cảm xúc đưa đến có thể giúp chúng ta có được góc nhìn sâu sắc về những định hướng quan trọng trong cuộc sống”.
Song, cảm xúc không phải chỉ liên quan đến mối quan hệ với chính mình. Là một người bạn, một đồng nghiệp, một người lãnh đạo, khả năng thấu hiểu và nhận diện cảm xúc của những thành viên xung quanh là năng lực quan trọng trong bất cứ môi trường tương tác nào.
Chúng ta nghe rất nhiều về sức khỏe tinh thần trong thời gian gần đây. Với sức khỏe tinh thần lành mạnh là kết quả của việc cho phép cảm xúc được biểu hiện an toàn. Những nhà lãnh đạo thực thụ sẽ nhận ra tầm quan trọng của an toàn về cảm xúc, và mong muốn các thành viên trong tổ chức có thể sống thật với con người của mỗi cá nhân, đưa sức sống trọn vẹn vào công việc. Vậy làm sao để đưa cảm xúc vào môi trường làm việc một cách lành mạnh và hiệu quả nhất?
Dưới đây là những kinh nghiệm quan trọng của Jen Fisher, cây viết của trang Mindful.org, về thực hành điều tiết cảm xúc trong công việc.
Đón nhận mọi cảm xúc của bạn
Sự thật là bất kể ở nhà hay công sở, né tránh cảm xúc thật là điều bất khả thi bởi cảm xúc luôn tìm được cách để được bộc lộ ra. Chúng ta càng đè nén, cảm xúc sẽ càng bộc phát ở mức độ tiêu cực cao. Điều này có thể dẫn đến các hành vi độc hại hay gây hại cho bản thân lẫn những người xung quanh.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, khi chúng ta gạt bỏ cảm xúc và cố không tìm hiểu chúng cũng là lúc chúng ta đang hủy hoại sức khỏe tinh thần của chính mình. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải bắt đầu là chấp nhận mọi cảm xúc như trạng thái tự nhiên của cuộc sống. Cảm xúc là một phần của con người và chúng ta không thể kiểm soát hay chối bỏ chúng.
Nhận diện thay vì vội phản ứng
Chúng ta có thể có những cảm xúc được cho là tiêu cực hoặc tích cực. Mọi cảm xúc đều chỉ đơn thuần là các dấu hiệu cho chúng ta biết chuyện gì đang xảy ra. Vậy thì những cảm xúc đến để đưa cho chúng ta thông điệp gì? Làm sao để mô tả những cảm xúc mà chúng ta đang cảm nhận thấy? Câu trả lời là hãy nhận diện chúng. Khi nhận diện cảm xúc một cách khác quan, chúng ta có thể lắng nghe và hồi đáp lành mạnh với những cảm xúc ấy, thay vì vội vàng phản ứng gạt bỏ hay đè nén.
Một trong bài tập thực hành của Brené Brown - tác giả nổi tiếng và là Giáo sư tại Đại học Houston (Mỹ) là hãy bắt đầu những buổi họp bằng việc mời tất cả thành viên gọi tên hai cảm xúc mà mỗi người có trong ngày hôm ấy hay ngay khoảnh khắc hiện tại. Bài tập này cho phép các thành viên kết nối với cảm xúc họ đang có và cho phép người lãnh đạo, đồng nghiệp khác biết được trạng thái cảm xúc của từng thành viên mà không phải đề cập quá sâu đến các câu chuyện riêng tư của mỗi người.
Nếu người điều phối buổi họp biết các thành viên đang có trạng thái cảm xúc khó, họ sẽ điều hướng cuộc họp theo cách nâng đỡ tinh thần của người tham gia. Nếu nhận ra một thành viên trong nhóm đang gặp khó khăn về tinh thần, người lãnh đạo có thể chủ động mở vòng tròn lắng nghe và trợ giúp thành viên ấy, nếu họ sẵn sàng đón nhận.
Cảm xúc là một phần của con người và chúng ta không thể kiểm soát hay chối bỏ chúng. |
Gọi tên cảm xúc cũng giúp chúng ta có thể cảm nhận được nhiều cảm xúc khác nhau cùng lúc dễ dàng hơn. Chúng ta có thể vừa cảm thấy buồn và vui cùng một lúc, hay giận dữ lẫn hy vọng vì những chuyện khác nhau. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc chấp nhận nhiều cảm xúc khác nhau đang diễn ra cùng một thời điểm có tác dụng hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Cảm xúc không phải toàn bộ con người bạn
Nhận diện cảm xúc, cho phép chúng ta hiểu ra rằng, chúng ta không bị giới hạn bởi một cảm xúc cụ thể mà mình đang có. Ví dụ, khi nói “tôi cảm thấy buồn” rất khác với “tôi là người buồn bã”. Cảm xúc đến và sẽ đi qua, và cảm xúc ở từng thời điểm không định vị toàn bộ phẩm chất của một cá nhân.
Khi chúng ta cho phép cảm xúc chi phối bản thân, chúng ta mất đi khả năng lựa chọn cách hồi đáp lành mạnh cho những cảm xúc đó. Kỳ thực, ngay cả trong ngày tồi tệ nhất, chúng ta luôn có khả năng lèo lái cuộc sống chính mình.
Chăm sóc cơ thể
Cơ thể khỏe mạnh có gắn kết sâu sắc với tinh thần lành mạnh. Khi mệt mỏi, thiếu ngủ, chúng ta sẽ mất dần khả năng nhận diện cảm xúc chính mình và tăng dần trạng thái bị cảm xúc khống chế.
Khi chúng ta mở lòng đón nhận con người thật sự của mình, không chỉ bản thân nhẹ nhõm mà môi trường làm việc cũng sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều.
Một trong những dấu hiệu của kiệt sức chính là việc chúng ta mất khả năng điều tiết cảm xúc chính mình. Ngủ đủ giấc và làm việc vừa đủ sẽ giúp bạn tăng khả năng điều tiết mọi cảm xúc, bao gồm cả những cảm xúc mạnh mà công việc có thể kích hoạt trong bạn.
Ở mặt bên kia, khi trong bạn có cảm xúc cường độ mạnh, hãy vận động cơ thể. Vận động không chỉ giúp tạo ra những hooc-môn dễ chịu trong não bộ mà còn giúp điều hướng sự chú ý của bạn ra khỏi điều đang làm bạn kiệt sức hoặc trì trệ.
Thực hành lòng trắc ẩn cho chính mình và người khác
Không thể ngăn được cảm xúc xuất hiện, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được bất cứ phán xét nào dấy lên trong lòng về việc chúng ta đang có những cảm xúc khó chịu ấy. Khi tức giận hay phẫn nộ, hay buồn rầu, lo lắng, điều đầu tiên chúng ta có thể làm đơn giản chỉ là tự nói: “Tôi đang cảm thấy tức giận/phẫn nộ/buồn rầu/lo lắng…, và điều này không sao cả”.
Cuộc sống hiện tại đang ngày càng làm chúng ta phải che giấu cảm xúc nhiều hơn. Chúng ta sống trong thế giới của những lời hỏi han và câu trả lời “tôi ổn” hời hợt. Khi chúng ta mở lòng đón nhận con người thật sự của mình, không chỉ bản thân nhẹ nhõm mà môi trường làm việc cũng sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều.