Nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam: Đừng để quá trễ!
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:15, 11/07/2022
Không mấy chú trọng đến nghiên cứu thị trường và chuỗi giá trị của hàng hóa mà chỉ chăm bẵm vào việc tăng sản lượng, mở rộng thị trường, sẽ bán được cái gì, bao nhiêu tấn và bán được cho ai là cứ bán, nên ta cũng thường quen tai nghe “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay “giá nông sản rớt là do thị trường thế giới”. Điệp khúc nhàm chán này sao có thể giữ mãi được. Nhìn kỹ vào ngành hàng cà phê, có thể cho ta biết được ít nhiều về thị trường nông sản nói chung và bản thân cà phê nói riêng nên đổi mới thế nào.
Mất mùa, tồn kho giảm, giá vẫn rớt
Tính đến nay, đã hơn ba chục năm giới kinh doanh cà phê thế giới biết đến hạt cà phê Việt Nam. Tại thị trường trong nước, đã có không biết bao thương nhân, hết lớp này đi đến lớp khác đến. Số lượng nhà xuất khẩu cà phê mỗi lúc một đông, nay chừng 200 doanh nghiệp, nhưng tên tuổi công ty tồn tại được trên hai chục năm đếm hoài vẫn không đủ trên hai bàn tay.
Năm nay, không ít doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khấm khá do có thông tin rằng Brazil mất mùa… nên bán đón chờ giá lên. Thế mà nửa năm nay giá sàn phái sinh robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường theo để tham khảo… lại rớt.
Kết thúc sáu tháng đầu năm 2022, giá kỳ hạn tháng 9/2022 của sàn London giảm 253 USD/tấn hay hiệu suất kinh doanh trên sàn giảm hơn 11% (2.286 - 2.033 USD/tấn).
Tồn kho cà phê robusta được sàn công nhận có quyền đấu giá cũng giảm làm các doanh nghiệp càng khó hiểu “không biết vì sao giá vậy mà rớt được”. Số liệu tồn kho đạt chuẩn do sàn cung cấp tính đến ngày 30/6/2022 là 108.300 tấn, giảm 41.290 tấn so với cùng kỳ 2021 là 149.590 tấn.
Những lập luận nêu trên cho thấy nếu dựa trên yếu tố cung - cầu, thị trường hàng hóa cà phê đầy mâu thuẫn. Lý do “mất giá” trên sàn phái sinh thật ra chỉ dành cho ai đeo đuổi cách bán cà phê với tư cách “thương phẩm”, thông qua các nhà kinh doanh trung gian (trader). Chính những người này chi phối và chịu chi phối bởi thị trường tiền tệ và giới đầu tư tài chính. Thực chất của chuỗi giá trị cà phê thương phẩm chỉ dừng lại từ nhà vườn đến nhà kinh doanh môi giới. Còn chuyện cà phê mình bán ra có lên sàn được hay không, hay cà phê đi đâu lại là công đoạn của môi giới và người khác.
Biết rằng từ bấy đến nay, phần lớn hàng thương phẩm của ta đều bán qua và bán cho trung gian. Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp vai trò “thuận tiện” của họ vì chính họ là người trả tiền hàng cho nhà xuất khẩu. Nhờ vậy mà áp lực tiền mặt mỗi khi vào mùa của các ngân hàng thương mại trong nước nhẹ gánh đi nhiều, chỉ hớt phần ngọn tức cho vay khi có hợp đồng xuất khẩu, ít rủi ro và nhất là khoản trả tiền vay được trông thấy trước.
Cũng chính vì thế mà các khoản vay kinh doanh cà phê thương phẩm dễ dàng hơn rất nhiều so với các hợp tác xã. Ở đây mới hiểu rõ thêm vì sao các hợp tác xã nông nghiệp không thể cạnh tranh và phát triển theo đúng ý dù chính phủ rất “mê” và ủng hộ chuyện này.
Thế nhưng, bản thân hoạt động mua bán của nhiều nhà kinh doanh trung gian hiện nay cũng rất thất thường, khi mua khi không chứ không đều đặn như xưa. Giới trung gian nay cũng chia thành hai tốp: tốp có vốn lớn, bắt tay với giới đầu tư tài chính trên sàn, mua đi bán lại mà nhiều khi không biết hạt cà phê là gì và hợp đồng cà phê mình rơi vào tay ai, tốp thứ hai gồm những nhà kinh doanh chuyên nghiệp với lượng vốn vừa phải, nay chuyển dần sang chuỗi giá trị “từ nông trại đến ly cà phê”.
Những thay đổi quyết định
Không mấy người có trách nhiệm trong ngành cà phê chịu quan tâm đến thị trường cà phê “chất lượng tốt” - cà phê tách và vượt xa chất lượng thông thường do các sàn giao dịch phái sinh đặt ra. Chúng được mua bán trên một thị trường khác, giá không theo mặt bằng chung, đại trà của giá “niêm yết” trên các sàn, trong ngôn ngữ thương mại được gọi là “differentiated coffee”.
Kinh nghiệm của Brazil cho thấy rõ họ đang thực sự chuyển mình trong cung ứng cà phê không theo thói quen có sẵn từ 300 năm nay. Trước đây, Brazil thường chú trọng xuất khẩu cà phê số lượng lớn với chất lượng trung bình dù là nước chiếm trên một phần ba tổng sản lượng toàn cầu, thì nay chuyển nhanh sang sản xuất và xuất khẩu cà phê chất lượng tốt (differentiated coffee).
Thật vậy, trong bốn tháng đầu năm 2022, Brazil xuất khẩu chừng 13,6 triệu bao (bao = 60 kg), trong đó có chừng 2 triệu bao dưới dạng chất lượng tốt ấy, tương đương với 15%. Thời gian nghiên cứu “kiểu mẫu” sản xuất và chế biến loại cà phê này được thực hiện nhanh và áp dụng tức thì. Nay là lúc họ tìm cách nhân rộng mô hình vì chỉ theo chuỗi giá trị này mới tăng được giá trị gia tăng tại thị trường trong nước và cả bán cho nước ngoài nhờ cà phê trong chuỗi có chất lượng cao hơn hay sản xuất theo các mẫu hình bền vững. Kim ngạch của 2 triệu bao cà phê loại tốt ấy đạt 621 triệu USD, tương đương với 19,8% trong tổng giá trị xuất khẩu tất cả các loại cà phê trong kỳ. Nhưng so với cùng kỳ năm 2021, trị giá của riêng loại cà phê này tăng đến 66%.
Một thay đổi rất nhanh, mạnh và rất táo bạo và kịp thời. Thế nhưng vẫn chưa đủ: Brazil đã đưa ứng cử viên nữ đầu tiên vào chức vụ Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) và đã trúng cử, đó là Vanúsia Nogueira. Bà là một barista chuyên nghiệp, một nhà thực hành và nghiên cứu cà phê chất lượng tốt và đặc sản.
Nếu như đưa lượng xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ra so sánh cùng kỳ với Brazil, lượng xuất khẩu bốn tháng đầu năm của Việt Nam không thua mấy Brazil, với gần 12,3 triệu bao (739.000 tấn) nhưng chủ yếu là xuất cà phê thương phẩm, con số cà phê “chất lượng tốt” không hề được ghi nhận vì có thể quá ít ỏi, dưới 1% (theo đánh giá chủ quan của người viết bài này).
Tuy lượng cà phê chất lượng tốt của Việt Nam chưa nhiều, nhưng với 17 mẫu cà phê chất lượng tốt được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và một số doanh nghiệp, cá nhân đưa sang “đấu xảo” tại Boston (Mỹ) và Milan (Ý) trong năm nay đều đạt chất lượng đặc sản, tức đều được chấm trên 80 điểm trong thang điểm quốc tế từ 80 - 100 điểm. Riêng hai mẫu cà phê robusta của Việt Nam được gửi đi Milan được đánh giá rất cao (đạt 84,5 và 84,75 điểm).
Rất xúc động khi những lá cờ Việt Nam được tung bay theo hương thơm cà phê trong lần thi quan trọng tại Ý vào cuối tháng 6/2022. Qua đó, có thể thấy chất lượng và năng lực sản xuất cà phê tốt để tạo thành một thị trường xuất khẩu hàng tốt của Việt Nam đang được hình thành. Tuy nhiên, nếu có thêm sự động viên, cổ vũ và đồng lòng của các doanh nghiệp và nhất là của Hiệp hội Cà phê & Ca cao Việt Nam, thì các thành quả nhỏ bé ấy sẽ nhen nhóm thành một ngọn lửa thay đổi cách nhìn, cách làm đối với hạt cà phê với mục đích nâng cao giá trị hạt cà phê Việt Nam trên thương trường.
* Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn