Nghị định 35/2022/NĐ-CP: Chưa thể là “cây đũa thần”
Bất động sản - Ngày đăng : 01:24, 12/07/2022
Nhiều điểm mới, tạo đà thu hút nhà đầu tư
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM chia sẻ, Nghị định 35 cho phép không cần lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng, hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt, không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt, từ đó giúp tiết kiệm thời gian triển khai các dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết thêm, Nghị định 35 ngoài cải cách về thủ tục hành chính, còn có những điều khoản nổi bật như các KCN, KKT phải dành ít nhất 5ha hoặc 3% diện tích đất cho phát triển DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ, DN đổi mới sáng tạo, hay có quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích của KCN, KKT để xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động đã tạo sức hút mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Nghị định 35 cho áp dụng linh loạt tỷ lệ lấp đầy 60% về đầu tư công và xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KKT. Theo đó, một số trường hợp như đầu tư hạ tầng KCN đã thành lập trước đó nhưng bị chấm dứt hoạt động, địa điểm KCN tại địa bàn thuộc danh mục ưu đãi đầu tư, đầu tư hạ tầng KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, tổng diện tích đất của các KCN đã được thành lập từ 1.000ha trở xuống được áp dụng chủ trương này, từ đó thúc đẩy cơ hội đầu tư, mở rộng KCN tại các địa phương.
Doanh nghiệp lo giá thuê đất sẽ tăng
Theo bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Thực phẩm Anh Kim, DN của bà có nhu cầu mở rộng hoạt động. Nghị định 35 phân cấp, phân quyền cho các ban quản lý KCN, KKT, KCX, DN được tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Như vậy, được hiểu là DN, nhà đầu tư có thể rút ngắn được thời gian xin thủ tục đầu tư, nghĩa là sẽ rút ngắn về thủ tục hành chính. Việc đơn giản thủ tục, phân quyền nhiều hơn cho địa phương có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư, tạo cơ hội để DN tăng trưởng. “Tuy nhiên, đọc Nghị định 35, chúng tôi cũng còn mơ hồ nên phải chờ hướng dẫn thêm về thủ tục hành chính”, bà Thu nói và dẫn chứng DN muốn sửa chữa, xây dựng thêm diện tích sàn sử dụng thì thủ tục cần ra sao, xin như thế nào, được cấp tối đa bao nhiêu trên tổng diện tích DN đã thuê.
Hiện tại, theo bà Thu, hầu hết công ty hoạt động trong KCN Tân Bình đã trả tiền sử dụng đất một lần 50 năm. Nhưng đối với các KCN mà DN đang phải trả tiền thuê đất theo từng năm thì chắc chắn việc áp dụng Nghị định 35, giá sẽ tăng theo hệ số K quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, Nghị định 35 cơ bản sẽ có lợi cho DN đang hoạt trong các KCN, KKT, KCX từ 15 năm trở lên. Cụ thể, nếu Nhà nước muốn thay đổi mục đích sử dụng của các khu này thì cần phải thỏa thuận với DN và ít nhất 2/3 DN đồng ý. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng phải đạt được thỏa thuận về chi phí vì các DN trong KCN, KKT, KCX là những cổ phần của khu đất đó và quyền của DN đang hiện hữu sẽ tiếp tục được gia hạn đến hết 50 năm.
Tương tự, một DN trong KCN VSIP Hải Phòng cũng cho biết, công ty thuê đất và dành một phần nhỏ trong số diện tích đất thuê để vừa làm nhà ở cho chuyên gia cấp cao, vừa làm văn phòng, còn các chuyên gia thuộc tầm trung thì công ty sẽ thuê khách sạn. Vì thế, việc xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, KKT sẽ tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh cho DN.
Nghị định 35 đã quy định cụ thể về loại hình KCN - đô thị - dịch vụ. Như vậy, dù e ngại giá thuê có thể tăng khi chủ đầu tư đã hoàn tất hạ tầng, nhưng vì hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ đầu tư khi đầu tư thêm hạ tầng thì phải cần có phương án về bảo đảm an ninh trật tự, về giá nhà ở cho thuê. Nếu giá thuê cao hơn so với mặt bằng chung bên ngoài, DN sẽ không thuê dịch vụ, lúc đó thiệt hại sẽ thuộc nhà đầu tư.
Nghị định 35 có hiệu lực từ ngày 15/7/2022, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, đa phần DN đều khẳng định chưa tiếp cận một cách chính thức thông tin về nghị định này.
Ông Đào Quốc Cường - Giám đốc Công ty TNHH Yuki cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thấy thông báo từ Ban Quản lý các KCX, KCN TP.HCM nên chưa nắm được nội dung của Nghị định 35”.
Cần sự chung tay của chính quyền
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, mặc dù việc cấp phép đầu tư KCN, KKT đã được giảm bớt thủ tục, nhưng vẫn còn một số rào cản nhất định, nhất là tiến độ đền bù giải tỏa còn khá chậm do chi phí đền bù tăng mạnh. Điều này có thể làm chậm tiến độ xây dựng công trình, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận dự báo tại các KCN, KKT mới thành lập, có thể suy giảm đến 30-35% so với các KCN, KKT hiện hữu.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM, Nghị định 35 chưa thể là “cây đũa thần” để giải quyết hoàn hảo mọi việc. Vì thế, để nghị định này đi vào thực tiễn, chính quyền các cấp và ban quản lý các KCN, KKT, KCX phải quyết tâm, mạnh dạn triển khai, nhất là khâu phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ và ủy quyền.
Mặt khác, về lâu dài, cần tổng kết, đúc kết để hình thành luật về quản lý KCN, KKT, KCX. “Nghị định 35 là cơ sở pháp lý hoạt động đối với hơn 400 KCN, KKT ven biển, KKT cửa khẩu của cả nước - một khu vực đã được đầu tư trên 200 tỷ USD với hơn 4 triệu lao động và hàng chục nghìn nhà máy đang hoạt động. TP.HCM chỉ mới lấp đầy 2.700ha nhà máy công nghiệp trên 7.000ha đã quy hoạch đất công nghiệp nhưng chưa được giao. Vì thế, mặt bằng đang là vấn đề cấp bách để đón nhận đầu tư”, ông Bé cho biết.
Cũng theo ông Bé, từ năm 1991 với cơ chế “một cửa”, Bộ Tài chính đã ban hành quy chế các KCX, KCN trích từ phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng và phí tiện ích công cộng đóng góp ngân sách cho ban quản lý. Cách làm này rất sáng tạo, giảm sử dụng ngân sách nhà nước và tạo động lực tương thích giữa ban quản lý và DN đầu tư hạ tầng”.
Trong khi đó, là một trong những DN hoạt động trong KCN, bà Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất Thực phẩm Anh Kim cho rằng, mặc dù việc cấp phép đầu tư KCN, KKT, KCX đã được giảm bớt các thủ tục hành chính, nhưng khi đầu tư luôn cần ba yếu tố là mặt bằng, thủ tục pháp lý, tài chính. Vì vậy để triển khai được các khu này đòi hỏi sự chung tay góp sức của cả xã hội.
“Nghị định 35 góp phần minh bạch và giảm bớt thủ tục hành chính. Chúng tôi mong muốn thủ tục pháp lý rõ ràng, minh bạch để DN an tâm tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xây dựng KCN, KKT. KCX ngày một tốt hơn”, bà Thu nói.