Bí mật giúp gia tộc Rockerfeller phá vỡ 'lời nguyền' không ai giàu 3 họ
Phong cách sống - Ngày đăng : 01:30, 12/07/2022
"Vua dầu mỏ" John D. Rockefeller (giữa) là tỷ phú đầu tiên của Mỹ và là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của gia tộc Rockefeller. |
Đã hơn 1 thế kỷ từ khi "vua dầu mỏ" John D. Rockefeller thành lập Standard Oil và trở thành tỷ phú giàu nhất trong lịch sử Mỹ lẫn lịch sử thế giới hiện đại. Trong trí nhớ của người Mỹ, cái tên Rockefeller gắn liền với danh hiệu "giàu nhất trong những người giàu" và nhà Rockefeller luôn được xếp vào hàng ngũ các gia tộc quan trọng nhất tại New York.
Nối tiếp con đường của John D. Rockefeller, các thế hệ sau này đều là những doanh nhân hoặc chính trị gia thành đạt, in dấu chân của gia tộc ở khắp nơi, từ Ngân hàng JPMorgan Chase, Trung tâm Rockefeller, Quỹ Rockefeller cho đến Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, Đại học Rockefeller...
Đơn cử, cháu trai David Rockefeller, qua đời năm 2017, là chủ ngân hàng hàng đầu tại New York và có hơn 20 năm giữ vị trí CEO của Chase Manhattan (nay là một phần của JPMorgan Chase). Những đóng góp của ông cho ngành ngân hàng đã đặt nền móng cho thương nghiệp hiện đại và tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.
Một cháu trai khác - Nelson Rockefeller, là thống đốc New York 4 nhiệm kỳ liên tiếp và Phó tổng thống đời thứ 41 của Mỹ. Cháu trai Winthrop Rockefeller từng là thống đốc bang Arkansas, trong khi Jay Rockefeller - chắt của "vua dầu mỏ" từng là thượng nghị sĩ đảng Dân chủ miền Tây Virginia và cựu thống đốc miền Tây Virginia. Cháu trai Lawrence Rockefeller là một tỷ phú, nhà bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng và là người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.
Đến nay, nhà Rockefeller đã bước sang đời thứ bảy, với 174 người thừa kế và khối tài sản hơn 8 tỷ USD (theo Forbes). Trong khi nhiều gia tộc giàu có đã chấm dứt thời kỳ hưng thịnh hoặc bởi thuế, hoặc sự tranh chấp tài sản ở các thế hệ sau hay sự phân tán tài sản..., chuyện này đã không xảy ra với nhà Rockefeller. Đáng chú ý, gia tộc đến nay vẫn giữ được sự đoàn kết, không có những vụ bê bối, bất bình hay kiện tụng công khai nào.
Vợ chồng tỷ phú John D. Rockefeller có 5 người con, trong đó con trai John D. Rockefeller Jr. sinh được 5 con trai đều nổi tiếng tài giỏi. Ảnh: Twgreatdaily |
Theo David Rockefeller, bí mật của gia tộc ông nằm ở hệ thống giá trị hoàn chỉnh, giúp gia tộc đoàn kết và duy trì sự giàu có, qua đó phá vỡ 'lời nguyền' không ai giàu 3 họ mà liên tục phát triển từ đời này sang đời khác. Trong đó, có 4 nguyên tắc lớn giúp xây dựng hệ thống giá trị này:
1. Gìn giữ cơ nghiệp và giá trị của gia đình
Rockefeller rất coi trọng giá trị gia đình, nhất là khi số lượng thành viên ngày một tăng lên. Do đó, các thành viên của gia tộc luôn cố gắng duy trì một số hoạt động nhất định để tăng cường sự tương tác và giao tiếp, nhằm gắn kết cũng như truyền lại các giá trị cốt lõi.
Một trong số các hoạt động phổ biến là họp mặt gia đình định kỳ. Theo David Rockefeller, họ "gặp nhau 2 lần mỗi năm. Thông thường, tất cả thành viên sẽ ở một phòng và cùng dùng bữa với hơn 100 người". "Chúng tôi có một thứ có thể gọi là diễn đàn gia đình. Khi bạn 21 tuổi, bạn sẽ được mời tham gia những cuộc họp đó", ông nói.
"Tại các cuộc họp mặt, chúng tôi sẽ nói về phương hướng, dự án, thành viên mới và bất kỳ tin tức nào khác liên quan đến sự nghiệp hoặc các cột mốc quan trọng của thành viên gia đình. Điều quan trọng là mọi người đều cảm thấy họ là một phần của gia đình này, ngay cả khi bạn chỉ là dâu rể trong gia tộc".
Địa điểm diễn ra các cuộc gặp mặt này là một "căn nhà chung". Trước đây, nó là dinh thự Little Rockefeller ở New York, nhưng sau khi số lượng thành viên ngày một đông, nhà Rockefeller đã chọn chọn một trang viên khác.
"Đây là một địa điểm quen thuộc và đã được truyền qua nhiều thế hệ. Chúng tôi quay lại nơi ông cố đã sống hơn 100 năm trước, để xem ông sống như thế nào, để xem các con trai và cháu trai của ông sống như thế nào, điều đó rất ý nghĩa", David Rockefeller nói.
Bên cạnh đó, "chất keo" góp phần không nhỏ trong việc duy trì sự đoàn kết của gia tộc Rockefeller là các giá trị gia đình nhất quán và điều này đặc biệt được thể hiện qua hoạt động từ thiện. "Cụ tổ" John D. Rockefeller khuyến khích tạo ra của cải và tin rằng người giàu chỉ là người được ủy thác của cải. Thế nên, nhà Rockefeller thành lập rất nhiều quỹ khác nhau, như Rockefeller Foundation, Rockefeller Brothers và David Rockefeller với tổng giá trị tài trợ hơn 5 tỷ USD.
"Nếu những giá trị không tồn tại, ngôn từ sẽ không còn tác dụng nữa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng gia đình mình đã cố gắng hết sức để nuôi dưỡng những giá trị đó", David Rockefeller nói.
Anh em nhà Rockefeller trong một lễ vinh danh năm 1967. Từ trái sang phải là David, Winthrop, John III, Nelson và Laurance. |
2. Không còn kiểu kinh doanh gia đình
Trên thực tế, nhiều gia đình xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn từ chính việc ai sẽ điều hành công ty, nó nên được điều hành như thế nào và ai sẽ được hưởng lợi… Gia tộc Rockefeller đã không còn sở hữu công ty gia đình kể từ năm 1911, khi Standard Oil bị chính phủ chia thành các công ty niêm yết do luật chống độc quyền mới.
Hậu quả của sự thay đổi đó biến khối tài sản khổng lồ của Rockefeller tại Standard Oil thành nhiều công ty niêm yết công khai. Kết hợp với một loạt các ủy thác được soạn thảo cẩn thận, các cổ phiếu và tài sản dễ dàng được truyền lại cho các thế hệ sau mà ít phải chịu rủi ro về các biến động tài chính.
"Tất nhiên, sự giàu có trong gia đình chúng tôi xuất phát từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Standard Oil. Tuy nhiên, công việc kinh doanh đã giúp chúng tôi ngày càng gần gũi, trong khi có rất nhiều gia đình vì việc kinh doanh mà đấu đá, chia cắt. Tôi nghĩ lại rằng chúng tôi thật may mắn vì không sở hữu một doanh nghiệp như vậy. Chúng tôi đã có một công việc kinh doanh mang lại sự giàu có cho các thế hệ và được truyền từ đời này sang đời khác, song vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay", David Rockefeller cho biết.
3. Từ chối kết giao với 2 loại người sau
Rockefeller khuyên các con cháu nên từ chối kết giao với hai loại người. "Thứ nhất là người hoàn toàn buông xuôi và bằng lòng với hiện tại; thứ hai là người không thể gánh vác trọng trách đến cùng".
Ông gọi 2 loại người này là "khối u" rất dễ lây lan và một khi tiếp xúc với họ, bản thân người tiếp xúc sẽ trở nên thụ động và bi quan theo. Tệ nhất là 2 loại người này thường có mặt ở khắp nơi, họ không chỉ bi quan, thích an phận mà thậm chí còn làm nhụt chí tiến thủ của người khác và phá hoại kế hoạch thành công của họ.
Ví dụ, khi bạn quyết tâm hoàn thành mục tiêu, họ sẽ khuyên "bỏ cuộc đi", và khi bạn thất bại, họ sẽ nói "tôi đã bảo mà không nghe". Theo Rockefeller, loại người thứ nhất không có lòng tin vào bản thân, luôn cho rằng mình không đủ điều kiện và chỉ có người khác mới may mắn thành công. Họ tình nguyện giữ vị trí bình thường suốt nhiều năm. Dù biết chỉ có thử thách mới mang đến sự trưởng thành và phát triển, họ vẫn tự cho rằng bản thân không hợp để làm việc lớn và chùn chân vì quá nhiều cản trở trước mặt.
Vị tỷ phú cho biết, người khôn ngoan sẽ không bao giờ than thở khóc lóc về số phận, vì nó đồng nghĩa với việc từ bỏ giá trị của chính mình, cũng đánh mất cảm giác nỗ lực hết mình để đạt điều gì đó, mất khả năng tự cổ vũ, nhấn chìm năng lực và thui chột ý chí trong suy nghĩ tiêu cực, nội tâm yếu đuối. Thế nên, Rockefeller dặn các con phải biết kết giao với những người có ý chí vươn lên. Còn với người không có chí cầu tiến, hả hê khi thấy người khác đau khổ, nên tránh xa càng sớm càng tốt.
Trung tâm Rockefeller tại trung tâm Midtown Manhattan - một trong những điểm đến du lịch tấp nập nhất của New York. Nơi đây, có bảng đá ghi khắc các giá trị của nhà Rockerfeller. |
Khác với kiểu đầu tiên, loại người thứ hai háo hức khi bắt đầu thử thách, tập đương đầu với khó khăn, vạch ra kế hoạch lớn và chuẩn bị công việc hoành tráng. Nhưng sau một thời gian, khi khó khăn và thử thách bủa vây, họ bắt đầu nản lòng, cho rằng công sức bỏ ra quá nhiều mà kết quả không xứng đáng. Rốt cục, họ quyết định cam chịu, không cố gắng nữa và từ bỏ, trong khi tự nhủ rằng "mình đã kiếm được nhiều hơn người thường, hưởng cuộc sống tốt hơn người thường là đủ rồi, sao còn không hài lòng mà phải mạo hiểm nữa chứ?".
Thực tế, những người như vậy luôn sợ thất bại, sợ rủi ro, sợ mọi người phán xét khi đánh mất những gì đang có. Họ không bằng lòng với hiện tại nhưng vẫn quyết định đầu hàng. Có thể họ đủ tài năng, nhưng vì không dám mạo hiểm, họ bằng lòng sống bình thường như vậy cả đời. Với những người này, Rockefeller khuyên các con cũng nên từ chối kết giao.
4. Tiết kiệm là nền tảng sinh ra của cải
Với nhà Rockefeller, sự chăm chỉ và tiết kiệm là phương châm giáo dục bất biến của gia tộc. Chịu ảnh hưởng từ mẹ, từ bé Rockefeller đã không tiêu tiền một cách mặc nhiên, và không bao giờ để con cái tiêu tiền bừa bãi. Cả đời ông, vị tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ luôn kỹ tính với đồng tiền và muốn từng xu được tiêu đều có ý nghĩa và ông cũng yêu cầu các con phải làm như vậy.
Khi John Rockefeller III còn là đứa trẻ, ông và cha đã "ký hợp đồng 3 chương" và xây dựng "quy tắc sử dụng tiền tiêu vặt". Ông đưa con tiền tiêu vặt 1 USD và 50 xu/tuần, không quá 2 USD/tuần. Bên cạnh đó, ông kiểm tra tiền của con hàng tuần để ghi lại chi tiêu cụ thể. Nếu sử dụng không đúng cách, tháng sau số tiền tiêu vặt sẽ bị cắt bớt.
Tương tự, khi David Rockefeller 16 tuổi, ông cũng được tập cho thói quen ghi chép chi tiêu. Mỗi đồng tiền chi tiêu đều được ghi vào một cuốn sổ nhỏ. Thói quen này vẫn được duy trì cả khi ông đã xử lý những món tiền "trên dưới vài triệu USD"/ngày.
"Những thứ cần tiêu thì nên tiêu, và những thứ không cần tiêu thì hãy đặt nó ở nơi có thể sinh lời". Đây là quy tắc kinh doanh được truyền lại đời nối đời của nhà Rockefeller. Hãy khiến cho từng xu đều đáng giá! Lãng phí tiền bạc và sống xa hoa là những điều ngốc nghếch mà ta không được làm.