Áp lực giữ tỷ giá ổn định còn nhiều thách thức
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 13/07/2022
Nhu cầu nắm giữ USD tăng
Ngày 4/7/2022 vừa qua, Sở Giao dịch NHNN đã điều chỉnh tăng 150 đồng/USD ở chiều bán ra, từ 23.250 đồng/USD lên mức 23.400 đồng/USD. Đồng thời, NHNN cũng chuyển từ phương thức giao dịch bán kỳ hạn ba tháng sang phương thức bán giao ngay nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là lần tăng giá thứ hai trong năm nay, bởi ngày 11/5/2022 đã tăng giá bán USD thêm 200 đồng/USD.
Đáng lưu ý là trong cả hai lần điều chỉnh giá bán USD, NHNN vẫn giữ cố định tỷ giá tham khảo mua vào ở mức 22.550 đồng/USD. Theo đó, mức chênh lệch tỷ giá tham khảo bán ra so với mua vào hiện nay đã tăng lên 850 đồng/USD, thay vì mức chênh lệch chỉ 500 đồng/USD hồi đầu năm.
Trong đợt biến động tỷ giá từ giữa tháng 6/2022, ước tính hơn 10 tỷ USD được bán ra, giúp các NH thương mại cung ứng nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế. Còn tính từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 12-13 tỷ USD được bán ra, tương đương hơn 11% mức dự trữ ngoại hối vào cuối tháng 1. Những năm gần đây, khi điều kiện thị trường thuận lợi, NHNN đã mua lượng lớn ngoại tệ để dự trữ, do đó khi thị trường diễn biến bất lợi, cơ quan này bán ra để bình ổn thị trường.
Khi các đồng tiền khác mất giá mạnh nhưng tiền đồng vẫn cố neo giữ giá với USD, đương nhiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn so với các nước khác.
NHNN mới đây cũng cho biết, thời gian tới sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để bổ sung nguồn cung cho thị trường thường xuyên hơn nữa. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Song song đó, NHNN từ tháng 6 đã khởi động lại kênh hút tiền thông qua bán tín phiếu và hút ròng tiền đồng về. Dù đã liên tục hút ròng VND qua kênh bán ngoại tệ và thị trường mở, chênh lệch lãi suất VND và USD trên liên NH tiếp tục giảm sâu, có thời điểm mức chênh lệch âm tới 1,2 điểm phần trăm, cho thấy nhu cầu nắm giữ đồng USD trong hệ thống vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Diễn biến trên gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Bởi lẽ người cầm VND đang hưởng ít lãi hơn so với người cầm USD. Theo đó, nếu mua USD, người mua sẽ vừa được hưởng chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, vừa được hưởng lợi từ việc tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng. Vì vậy, nhu cầu mua USD càng tăng cao thì tỷ giá USD/VND chịu áp lực tăng.
Mức tăng tỷ giá sẽ không quá cao
Không khó để nhận ra thị trường ngoại hối đang chịu áp lực từ nhiều phía. Cụ thể, giá mua bán tại các NH đã tăng thêm 90-100 đồng trong tháng 6, theo đó so với đầu năm đã tăng xấp xỉ 2,2%. Dù vậy, VND vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngay cả đồng tiền mạnh như euro trước đây giá cao hơn khá nhiều so với USD nhưng cũng đã mất giá khá mạnh và hiện giờ giá hai đồng tiền này xấp xỉ nhau. Chỉ số USD-Index đã có thời điểm tăng lên mức 105 điểm, cao nhất trong 20 năm qua.
Trong bối cảnh Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Giữa tháng 6 vừa qua, FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%. Đây cũng là lần tăng lãi suất lớn nhất của FED trong gần 30 năm qua, kể từ năm 1994 và là lần tăng thứ ba kể từ đầu năm đến nay. Giới phân tích nhận định FED sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất để chống chọi với lạm phát.
Rõ ràng khi các đồng tiền khác mất giá mạnh nhưng tiền đồng vẫn cố neo giữ giá với USD, đương nhiên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ, khó cạnh tranh hơn so với các nước khác.
Song dù áp lực lên tỷ giá rất lớn, dự báo mức độ tăng của tỷ giá không quá lớn do NHNN điều hành linh hoạt, chủ động can thiệp khi cần thiết. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao; nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại thặng dư. Nhiều tổ chức vẫn bảo lưu quan điểm tiền đồng chỉ mất giá 2-2,5% trong cả năm 2022.
Dù nhà đầu tư ngoại rút khá nhiều vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra và trước khi chỉ số VN-Index giảm khá sâu, nhưng ở nước ta không có hiện tượng vốn ngoại tháo chạy ồ ạt. Một số nhà đầu tư ngoại rút vốn, song dòng vốn từ Thái Lan, Hàn Quốc lại đổ vào khá mạnh, bù đắp được sự thiếu hụt này.