Khu vực miền Nam: Nhiều lợi thế hấp dẫn, vì sao nhà đầu tư vẫn trì hoãn?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:30, 13/07/2022
Theo phân tích của chuyên gia Cushman & Wakefield - một trong những công ty tư nhân bất động sản lớn trên thế giới, khu vực miền Nam bao gồm 17 tỉnh và thành phố, trong đó, TP.HCM là khu vực kinh tế sôi động và điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư mới muốn gia nhập thị trường Việt Nam. Trong 5 năm qua, nền công nghiệp và sản xuất tại miền Nam Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, thể hiện qua các chỉ số kinh tế và sản xuất công nghiệp: GDP tăng trưởng khả quan, đứng đầu là Bình Dương với 6,700 USD/người/năm tính đến qúy 2/2022. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính chung trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực này đạt 125 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
GDP tăng trưởng kéo theo nguồn vốn FDI tăng mạnh và nguồn cung đất công nghiệp cũng tăng theo. Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu cung ứng ra thị trường hơn 25.000ha đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lên đến 89%, có giá thuê trung bình 135 USD/m2/kỳ hạn thuê. Tính đến quý 1/2022, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tại khu vực phía Nam đạt 4,2 triệu m2 và nhà kho xây sẵn là 3,9 triệu m2, có giá thuê dao động từ 3,5 - 6USD/m2/tháng.
Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam: "Khu vực miền Nam có mạng lưới đường bộ bao phủ, đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới giao thông vận tải giữa các vùng công nghiệp, các cảng hàng không, các biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng. Chỉ tính riêng các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có tổng chiều dài đường quốc lộ là 3.507 km và 2 trục cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài 51 km và TP.HCM – Trung Lương là 62km…".
Ngoài ra, khu vực miền Nam còn có hơn 6.500 km sông rạch và kênh, với 6 tuyến vận tải đường thuỷ đang được khai thác, vận hành trên hai hệ thống chính là sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Không chỉ riêng Việt Nam mà các vùng công nghiệp các nước Đông Dương cũng được hưởng lợi, đặc biệt là khu vực Bavet thuộc Campuchia với khoảng cách đến cảng Cát Lái gần hơn 90km so với việc vận chuyển đến cảng Sihanoukville.
Một lợi thế khác là miền Nam cũng có khoảng 110 bến cảng, trong đó có các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại TP. HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, các bến thuyền lớn gắn liền với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hoá dầu, trung tâm nhiệt điện. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 370,8 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, TP.HCM đóng góp 67,2 triệu tấn và Vũng Tàu là 46,9 triệu tấn. Khối lượng hàng hóa bằng container thông qua cảng biển đạt 10,5 triệu TEU, tăng 2% cùng kỳ năm 2021.
Nổi bật là cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải đã tiếp nhận thành công siêu tàu container Margrethe Maersk có trọng tải đến 214.000 DWT và có sức chở lên đến 20.000 TEUs, dài 399.23m, rộng 59m hồi năm 2020. Lần đầu tiên, các hãng vận tải biển đã có thể cung cấp dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam đến Bắc Mỹ và châu Âu mà không cần đến các tàu gom để kết nối với các trung tâm trung chuyển khu vực như Singapore hay Hồng Kông. Việc không cần đến tàu gom đã giảm bớt được chi phí trung chuyển, ước tính tiết kiệm được khoảng 150–300USD/TEU đối với những container đi và đến Việt Nam.
Trong hội thảo ngày 11/7, chuyên gia từ Cushman & Wakefield nhận định rằng kinh tế, hạ tầng miền Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toán cầu |
Trong 8 cảng hàng không tại miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã có nhà ga hàng hóa chuyên biệt, còn các cảng Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau đã được đầu tư hoàn thiện khu xử lý hàng hóa tách biệt dây chuyền vận tải hành khách, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đóng, dỡ hàng. Trong tương lai, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoạt động hứa hẹn sẽ thúc đẩy khu vực miền Nam phát triển, trở thành trung tâm logistics chuyên dụng hàng không trong nước và khu vực.
Theo chuyên gia Cushman & Wakefield, với những điều kiện hấp dẫn trên, miền Nam Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông, không chỉ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn cầu mà còn kết hợp với năng lực sản xuất nội địa để trở thành một mắt xích không thể tháo rời trong chuỗi cung ứng thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là việc một số tuyến đường cao tốc quan trọng có nhu cầu lớn, các tuyến quốc lộ song hành đã quá tải, thường xuyên tắc nghẽn, khiến thời gian vận tải container đến cảng biển chính phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Chiều dài đường cao tốc còn thấp so với các nước phát triển, mật độ phân bổ chưa đồng đều giữa các khu vực, một số trục đường có nhu cầu vận tải lớn vẫn còn bị trì hoãn như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, các đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL, các đường vành đai 3 và 4.
“Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng không ít các nhà đầu tư vẫn còn trì hoãn quyết định đầu tư vào miền Nam vì tình trạng thị trường bất ổn trên toàn cầu, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa kết nối đồng bộ tại miền Nam, chi phí vận chuyển tăng cao, thủ tục phê duyệt kéo dài hay thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao”, bà Huỳnh Bửu Trân - Giám đốc Điều hành Công ty CP Tập đoàn KCN Việt Nam chia sẻ.
Bà Trân nhận định thêm: “Sự ‘khỏe mạnh’ của một nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ hiệu quả của hệ thống chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, việc nâng cao độ hiệu quả chuỗi cung ứng sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm thiểu những trì hoãn có thể tránh được, từ đó tăng sản lượng và giảm chi phí kinh doanh. Để miền Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, Nhà nước cần gấp rút phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và lực lượng doanh nghiệp cung ứng vừa và nhỏ để giúp tăng tính cạnh tranh với các vùng kinh tế khác trong nước và trong khu vực”.