Cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 14/07/2022
Nhà đầu tư châu Âu dao động
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) tại Việt Nam quý II/2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) thực hiện và công bố cho thấy, niềm tin của các DN châu Âu suy giảm nhẹ so với quý I (quý II/2022 đạt 68,8 điểm, giảm 4,4 điểm % so với quý I/2022 - mức 73,2 điểm). Nguyên nhân chính do những yếu tố bất ổn của kinh tế toàn cầu tác động. Trong đó, các yếu tố kép từ cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, cùng với giá cả hàng hóa tăng đột biến, hiệu ứng chính sách "Zero Covid" từ Trung Quốc... đã khiến DN châu Âu giảm kỳ vọng vào các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, một số lãnh đạo DN châu Âu (khoảng 35%, theo khảo sát BCI quý II) cho rằng, rào cản đối với đầu tư của châu Âu tại Việt Nam và thương mại giữa hai bên là các vấn đề liên quan đến cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khoảng 45% lãnh đạo DN châu Âu cho biết, khó khăn khiến các công ty nước ngoài giảm khả năng khai thác các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng chính là liên quan tới các thủ tục hành chính.
Niềm tin của lãnh đạo DN châu Âu vào MTKD tại Việt Nam trong quý II giảm nhẹ, nhưng các yếu tố ảnh hưởng hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ, trong đó các yếu tố từ bất ổn kinh tế toàn cầu tác động là vấn đề không riêng Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, kết quả BCI quý II cho thấy, các DN châu Âu mong muốn Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách MTKD hướng vào tăng trưởng xanh. Điều này không chỉ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng kinh tế thịnh vượng, mà còn hỗ trợ quá trình chuyển đổi thực hiện cam kết mạnh mẽ tại COP26 về trung hòa phát thải carbon, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn trên thế giới trong tương lai.
Cải cách quyết liệt, thực chất hơn
MTKD tại Việt Nam những năm gần đây đã có những cải thiện mạnh mẽ được cộng đồng DN cả trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, những nỗ lực cải cách MTKD dường như đã chững lại. Thậm chí, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, một số địa phương đã đưa ra những biện pháp hành chính cực đoan tác động tiêu cực đến MTKD cũng như phát triển của DN, làm đứt gãy chuỗi cung ứng...
Thực trạng nêu trên có lẽ đã khiến cho một số chỉ số về MTKD tại Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu thể hiện thiếu tính bền vững. Cụ thể, năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số về MTKD Việt Nam đã bị suy giảm. Chẳng hạn, chỉ số đổi mới sáng tạo giảm hai bậc từ vị trí 42 xuống 44; chỉ số phát triển bền vững giảm từ vị trí 49 xuống 51; chỉ số quyền tài sản giảm từ vị trí 78 xuống 84... Điều này đòi hỏi công cuộc cải cách MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt và thực chất hơn, cải cách phải vì DN, người dân.
Cộng đồng DN đang rất cần một MTKD thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm mọi chi phí để phục hồi phát triển. Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ cũng đã yêu cải cách MTKD theo hướng giảm thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN; cắt giảm ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý; cải cách mạnh mẽ kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu; chuyển đổi số gắn với cải cách thủ tục hành chính...
Ông Trần Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Khi ban hành văn bản pháp luật mới, hay sửa đổi, bổ sung không được đặt thêm các rào cản, thủ tục mới; giải quyết ngay theo thẩm quyền các vấn đề vướng mắc do các quy định pháp luật đang gây khó khăn, tốn kém cho hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như hoạt động của DN.
Nhiều ý kiến đã cho rằng, cải cách MTKD cần sự quyết tâm chính trị cao của của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, nơi nào người đứng đầu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thì nơi đó MTKD thuận lợi và ngược lại. Chính sách, kế hoạch cải cách MTKD địa phương nào cũng có, nhưng triển khai vào thực tiễn như thế nào, DN và người dân có được thụ hưởng thành quả của cải cách hay không, thì lại phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.
(*) Tác giả là Chủ tịch EuroCham