Tài sản các tỷ phú "bốc hơi" mạnh
Quốc tế - Ngày đăng : 01:29, 14/07/2022
Nếu như cách đây hai năm, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng lên các nền kinh tế, nhưng các thị trường tài chính sau khi lao dốc đã nhanh chóng bật tăng trở lại nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ, giúp tài sản của nhiều người gia tăng mạnh mẽ, thì giờ đây mọi thứ dường như đang diễn ra ở chiều ngược lại.
Đặc biệt phải kể đến nhóm doanh nghiệp công nghệ, khi hai năm trong đại dịch, giá cổ phiếu tăng mạnh nhờ hưởng lợi lớn bởi các chính sách cách ly xã hội đã thúc đẩy nhu cầu giao dịch, học tập, làm việc, giải trí trực tuyến, thì giờ đây khi mọi thứ đã trở lại gần bình thường, triển vọng tăng trưởng của nhóm này không còn nữa.
Đơn cử như cổ phiếu của Tesla đã giảm 43%, Amazon giảm 35%, Microsoft và Apple giảm 20%, Facebook lao dốc đến 50%... khiến tài sản của nhiều tỷ phú công nghệ sụt giảm mạnh mẽ. Đây là điều tất yếu, khi với các tỷ phú này, cổ phần trong các công ty do họ thành lập đều có tỷ lệ lớn trong giá trị tài sản ròng. Do đó, khi thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, tài sản của nhiều tỷ phú cũng chịu tác động tương tự.
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, tính từ đầu năm đến nay, tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã giảm khoảng 250 tỷ USD. Trong đó, Elon Musk (CEO Tesla) và Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) là hai tỷ phú có tài sản "bốc hơi" nhiều nhất, với tổng thiệt hại lên tới 120 tỷ USD.
Xét rộng ra nhóm 10 tỷ phú giàu nhất hành tinh, con số này đã lên tới 250 tỷ USD, tương đương 1,2% nền kinh tế Mỹ, trong đó có đến 7 người liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Dù tài sản giảm mạnh nhưng ông chủ của Tesla và SpaceX - Elon Musk vẫn là người giàu nhất thế giới với khối tài sản lên tới 210 tỷ USD. Musk cũng là tỷ phú duy nhất trên thế giới nắm giữ trên 200 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, 500 người giàu nhất thế giới mất 1.400 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, nhóm các tỷ phú có tài sản trên 100 tỷ USD hiện gồm Jeff Bezos, Bernard Arnault và Bill Gates, nhóm dưới 100 tỷ USD bao gồm Larry Page, Gautam Adani, Warren Buffett, Sergey Brin, Steve Ballmer, Lary Ellison.
Hầu hết tỷ phú này đều chứng kiến tài sản suy giảm, ngoại trừ Gautam Adani và Carlos Slim - ông trùm viễn thông người Mexico, là hai tỷ phú duy nhất có tăng trưởng tài sản dương trong năm nay. Riêng tài sản của ông Adani - tỷ phú Ấn Độ có tài sản lớn nhất châu Á, tăng tới 22,3 tỷ USD.
Trong số những tỷ phú có tài sản giảm mạnh, ngoài Elon Musk và Jeff Bezos ra, phải kể đến Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook mà mới đây đã đổi thành Meta. Năm ngoái, vốn hóa Meta có thời điểm cán mốc 1.000 tỷ USD, hiện chỉ còn hơn 400 tỷ USD. Zuckerberg cũng là một trong những tỷ phú có tài sản giảm mạnh nhất từ đầu năm 2022, lên đến 65,5 tỷ USD, xuống còn 60 tỷ USD. Từng có mặt trong câu lạc bộ tài sản trên 100 tỷ USD nhưng CEO 38 tuổi này hiện không còn nằm trong top 10 người giàu nhất thế giới.
Changpeng Zhao - tỷ phú tiền ảo vừa xuất hiện trong chỉ số tỷ phú của Bloomberg hồi đầu năm nay, tài sản đã "bốc hơi" gần 80 tỷ USD từ đầu năm 2022, giữa lúc thị trường tiền ảo lao dốc không phanh. Hiện thị trường tiền số toàn cầu đang dao động quanh mức 870 tỷ USD, giảm gần 70% so với mức 3.000 tỷ USD khoảng 6 tháng trước. Giá Bitcoin đang quanh mức 19.000 USD, cú trượt dài từ mức 60.000 USD vào khoảng nửa năm trước.
Mới đây nhất, sàn giao dịch tiền số Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản với các khoản nợ ước tính lên đến 10 tỷ USD từ hơn 100.000 chủ nợ. Trước đó, đơn vị cho vay tiền số Vauld đã tạm dừng hoạt động để tái cấu trúc do "những thách thức tài chính" gây ra bởi sự sụt giảm mạnh của tiền số. Hay như quỹ đầu cơ tiền số Three Arrows Capital (3AC) nộp đơn xin phá sản ở Mỹ, đẩy cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường thêm sâu sắc.