Khai thác dữ liệu trong kinh doanh xuất khẩu như thế nào cho hiệu quả?
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 01:31, 15/07/2022
Giá trị doanh nghiệp (DN) sẽ được định nghĩa lại trong nền kinh tế số. Dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của DN. Việc thu thập khai thác dữ liệu đúng và khoa học là một trong những yếu tố giúp DN tăng năng lực sản xuất, kinh doanh. Đây là nhận định được ông Phí Anh Tuấn - Chủ tịch PAT Consultant, Phó chủ tịch Hội tin học TP.HCM đưa ra trong hội thảo “Chiến lược khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu để mở rộng kinh doanh xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 14/7.
Theo ông Tuấn, các DN cũng có thể sử dụng dịch vụ dữ liệu để mở rộng thị trường và quản trị rủi ro cho DN mình. Trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning, Big Data… sẽ là công cụ hỗ trợ giúp con người phân tích dữ liệu “nhẹ nhàng” hơn, năng suất hơn.
Theo các chuyên gia, trong kinh doanh xuất nhập khẩu hay mở rộng bán hàng, DN nên phân thành các lớp data. Chẳng hạn, với thông tin nhà cung cấp, bộ phận mua hàng có thể dùng để theo dõi hợp đồng mua hàng, giao hàng; bộ phận kho dùng để theo dõi nguyên vật liệu được nhập kho của nhà cung cấp nào; bộ phận kỹ thuật biết được đơn vị nào cung cấp thiết bị phụ tùng; bộ phận quản lý chất lượng biết được chất lượng nguyên vật liệu, thiết bị của mỗi lô hàng giao cho DN; còn bộ phận kế toán dùng thông tin này để theo dõi công nợ, các khoản đã thanh toán tương ứng với các đơn hàng.
Các diễn giả đều cho rằng, dữ liệu rất quan trọng đối với doanh nghiệp trong kinh doanh xuất khẩu |
Với thông tin khách hàng, bộ phận mua hàng dùng để theo dõi hợp đồng; bộ phận sản xuất dùng để theo dõi lệnh sản xuất; bộ phận kho dùng để theo dõi thành phẩm nhập kho; bộ phận giao hàng biết phải giao cho khách hàng nào, ở đâu…
Và dựa trên các dữ liệu đã có, các giám đốc điều hành phân tích dữ liệu đưa ra quyết định, đo lường được lợi nhuận, nhìn thấy được các mối quan hệ trong kinh doanh, giảm chi phí vận hành, phối hợp các chiến lược thực hiện cho những cơ hội kinh doanh. Nhờ vậy, họ tối ưu hóa các quyết định và tăng hiệu suất quản lý.
Trong xuất khẩu hàng hóa, khi đàm phán với đối tác, các DN thường băn khoăn với những câu hỏi như liệu đối tác tiềm năng có khả năng tài chính tốt? Xác suất không trả được nợ? Liệu họ có thanh toán đúng hạn? Độ tin cậy về khả năng thanh toán của đối tác?
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Crif D&B Việt Nam cho rằng, với những câu hỏi này, dữ liệu từ báo cáo BIR (Business Information Report) sẽ giúp DN hiểu về "sức khỏe tài chính" của khách hàng mới để quyết định đồng ý hay từ chối hợp tác, giảm thiểu thời gian thu hồi nợ và giải quyết nợ xấu. Dữ liệu được lưu trữ và mọi bộ phận có thể khai thác và sử dụng, phục vụ cho tác nghiệp và cho phân tích dữ liệu khi cần.
“Khi biết được nền tảng và xếp hạng tín dụng của đối tác, DN có thể ngăn chặn gian lận, kiểm soát rủi ro và bảo vệ đầu tư”, ông Thắng nói.
Để có thể khai thác và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, DN cần có góc nhìn từ chiến lược đến tổ chức. Và đây là một chặng đường dài, nhưng là chặng đường cần thiết mà DN cần phải tiến bước để tồn tại và phát triển trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.