Trở thành một nhà quản lý không phải là sự thăng tiến, mà là thay đổi nghề nghiệp
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:04, 19/07/2022
“Tôi vốn là một kỹ sư chuyên giải quyết các vấn đề kỹ thuật và phát triển ứng dụng hay sản phẩm. Đối với tôi, việc quản lý con người là một sự thay đổi lớn.
Tôi học được rất nhiều điều qua những thử nghiệm và sai lầm, qua thành công và thất bại. Tôi cũng đọc rất nhiều sách về quản trị, những câu chuyện về tổ chức đội ngũ và văn hóa công ty, bài viết của nhiều người khác cũng từng trải qua quá trình chuyển đổi như tôi – từ nhân viên sang vai trò quản lý.
Đến thời điểm này, tôi nghĩ mình nên viết lại những điều đã giúp ích cho tôi chuyển đổi từ một người làm kỹ thuật thành một nhà quản lý và trưởng thành ở vị trí này.
Tạm biệt công việc của bạn và gửi lời chào “team”
Thời gian đầu, tôi vừa giải quyết những công việc của một chuyên viên kỹ thuật, vừa làm việc của người quản lý đội ngũ. Tôi đã không thể tập trung hoàn toàn cho việc nào cả, hệ quả là không có việc gì được như ý. Cả hai chuyện đều quan trọng và tôi buộc phải chọn một – đó chính là team của tôi.
Link bài viết
Là một nhà quản lý, bạn cần đặt công ty lên trên hết, kế đến là team và sau cùng là các thành viên trong team. Điều này nghe có vẻ không được dễ chịu cho lắm, nhưng trong thực tế nó sẽ đưa đến kết quả tốt nhất cho các bên liên quan.
Giả sử bạn đảo lộn thứ tự ưu tiên này: đặt các thành viên trong team ở vị trí đầu tiên và công ty ở vị trí sau cùng, thế thì bạn sẽ dễ dàng có được một “nhóm” những cá nhân giỏi nhưng mạnh ai nấy “tiến” theo cách riêng và không thể tạo ra kết quả chung có giá trị.
Khi trở thành nhà quản lý, một điều cực kỳ quan trọng là bạn cần hiểu được tầm nhìn công ty ở tầm mức cao hơn. Bạn cần biết con thuyền sẽ đi đến đâu. Chỉ khi đó bạn mới có thể giúp đội ngũ của mình đến được đó và giúp họ phát triển với định hướng đúng đắn. Và đây chính là quan điểm mà tôi đã đón nhận: Trở thành một nhà quản lý không phải là sự thăng tiến, đó là một sự thay đổi nghề nghiệp.
Tự học
Việc chính yếu mà tôi làm trong vài tuần và vài tháng đầu là đọc và đọc. Tôi cần học để biết quản lý thực sự là gì. Đâu là những phong cách quản lý hiệu quả? Làm thế nào để tôi có thể là một người quản lý giỏi mà không phải “quản mọi thứ”?
Tôi học để biết sự cởi mở và trung thực có ý nghĩa quan trọng thế nào, học cách xây dựng lòng tin và khuyến khích sự tranh luận trong team.
Tôi tìm hiểu về mọi thành viên trong đội – họ thích gì và không thích gì. Phong cách làm việc của họ? Những tình huống rối bời sẽ làm họ thăng hoa hay sợ hãi? Tất cả những chi tiết như thế đều quan trọng và sẽ giúp mỗi cá nhân phát triển cũng như đạt hiệu suất cao nhất.
Tôi tìm hiểu về những quy trình hiện có và chưa có ở công ty. Công việc của một người quản lý là làm cho cuộc sống của đội nhóm trở nên dễ dàng hơn và mang những trở ngại ra khỏi hành trình của họ.
Sau đây là vài quyển sách mà tôi khuyến khích những ai muốn lãnh đạo, quản lý một đội ngũ nên tìm đọc:
– Managing Humans (tạm dịch: Quản lý con người) của Michael Loop. Quyển sách rất có ích với những người lần đầu làm quản lý. Bạn có thể học tất cả về quản trị và trên hết là học về con người.
– The Manager’s Path (tạm dịch: Con đường của nhà quản lý) của Camille Fournier. Nội dung quyển sách bao quát những vấn đề về vai trò của một đội kỹ thuật và những kỳ vọng đối với công việc của họ.
– The 5 Dysfunctions of a Team (bản tiếng Việt có tựa: 5 điểm chết trong teamwork) của tác giả Patrick Lencioni. Đây là quyển sách mà tôi thích nhất khi nói đến mong muốn xây dựng những đội ngũ tuyệt vời.
Dù được viết theo phong cách hư cấu nhưng quyển sách này thật sự rất thấu đáo và chứa đựng nhiều thông tin hữu ích. Tôi nghĩ bất cứ ai đang làm việc trong một đội ngũ nào đó đều nên tham khảo.
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ
Nếu bạn đang chuyển từ vị trí của một chuyên viên thành một nhà quản lý thì việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ là điều rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn. Hãy tìm những người sẽ đẩy bạn ra khỏi vùng an toàn và chỉ cho bạn những cách làm mới.
Cần có nhiều ủng hộ viên với những kiến thức và trải nghiệm khác nhau: những nhà tâm lý, nhà thiết kế hay cả đầu bếp. Biết được cách họ tiếp cận và giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn mở rộng chân trời.
Đừng “giành việc” của các thành viên trong đội
Đó là điều tôi nhận ra sau một thời gian làm quản lý và sau khi đọc một bài viết của Camille Fournier, tác giả cuốn sách The Manager’s Path.
Tôi cần chấm dứt chuyện “giành việc” của các thành viên trong đội với lý do “giúp đỡ họ”. Chẳng hạn, nếu bạn bảo với ai đó trong team là bạn muốn xem lại tất cả các “đề xuất (proposal)” của họ và là người có tiếng nói cuối cùng về việc gì đó thì bạn đang giới hạn sự phát triển của họ. Tôi từng nghĩ rằng tôi đang giúp họ, nhưng, khi tôi “giành việc” hay cố giúp ai đó thì cũng có nghĩa là tôi đang ngăn đường phát triển của họ.
Hiệu quả của người quản lý được đánh giá theo cách khác
Khi bạn là một kỹ sư hay làm một công việc cụ thể nào đó, hiệu suất của bạn cũng dễ đo lường. Bạn biết mình đang làm gì và bạn luôn có kết quả nào đó để trưng ra vào cuối ngày.
Một nội dung viết, một chức năng, hạng mục nào đó trên website hay một điều gì đó có thể nhìn thấy, chạm vào được. Bạn có thể tự bảo mình: “Tuyệt, đây là thành quả của ngày hôm nay”.
Còn ở vai trò quản lý, vào cuối ngày, bạn sẽ thấy lịch làm việc của mình được lấp kín bởi những cuộc họp. Thời gian đầu, tôi cảm thấy rất khó khăn và không biết được là mình làm việc có hiệu quả hay không.
Sau đó, tôi nhận ra rằng việc của tôi hiện giờ là làm cho đội ngũ vận hành tốt, là trò chuyện với mọi người, giải quyết các vấn đề và giúp họ thăng hoa. Nếu ảnh hưởng của bạn trong vai trò quản lý chưa thể nhìn thấy được ngay thì kết quả sẽ đến theo thời gian.
Sự kiên nhẫn và niềm tin là điều mấu chốt khi chuyển đổi từ vai trò cá nhân sang vai trò quản lý. Hãy thoải mái với công việc. Nếu “team” của bạn đang hoạt động tốt thì có nghĩa là bạn cũng đang hoàn thành tốt vai trò của mình.