Tại sao công ty cần nuôi dưỡng lòng nhân ái nơi nhân viên
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 06:00, 19/07/2022
Lòng nhân ái tại nơi làm việc bắt đầu với một sự lựa chọn đơn giản: Cởi mở để đồng cảm với người khác. Nguồn ảnh: Stock |
Lòng nhân ái, hay còn được gọi là lòng trắc ẩn, chưa bao giờ được coi là yêu cầu bắt buộc trong một bản mô tả công việc. Đó là bởi hầu hết các nơi làm việc không coi lòng nhân ái là một thuộc tính mong muốn của nhân viên.
Lòng nhân ái trong công việc nghĩa là gì? Khi có một sự việc diễn ra không theo kế hoạch, thay vì đổ lỗi hoặc đối đầu, chúng ta hãy nghĩ rằng mọi người hay ai đó chắc chắn sẽ không cố ý để hành động như một kẻ ngốc hoặc khiến người khác khó chịu. Với cách suy nghĩ như vậy, mọi người sẽ dễ dàng hợp tác với nhau để tìm ra nguyên nhân và cách xử lý những phát sinh không mong muốn.
Ngược lại, cách ứng xử (như thường thấy) quy trách nhiệm và đứng ngoài trách nhiệm của người khác không chỉ khiến việc xử lý hậu quả có thể chậm trễ, sơ sài, thậm chí gian dối; mà còn dẫn đến tình trạng “thủ”, “ghim” và bất hợp tác trong nội bộ.
Sự thiếu vắng lòng nhân ái trong công việc cũng là nguyên của tình trạng nhiều người xem nơi làm việc chỉ là nơi để… làm việc, thậm chí thấy nó như là một “sự gián đoạn” trong cuộc sống của họ. Ý thức này khiến cho nhân viên nhanh chóng bị kiệt sức, các nhà quản lý trở nên mệt mỏi, và khách hàng có thể cảm nhận được điều đó thông qua trải nghiệm chất lượng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Khi văn hóa doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng của lòng nhân ái, mọi người sẽ thấy thoải mái hơn khi bước chân vào nơi làm việc, chú tâm vào công việc hơn, hay nói cách khác là làm việc có tâm hơn.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, thể hiện và đón nhận lòng trắc ẩn không hề dễ dàng, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đó là bởi vì, trong xã hội hiện đại, chúng ta đã tạo ra một văn hóa làm việc (thường) không chấp nhận sự thất bại và sự khiêm tốn. Tại nơi làm việc, chúng ta tìm kiếm sự công nhận dưới hình thức “ghi công”. Khi, vì bất cứ lý do gì, chúng ta không được công nhận, chúng ta sẽ có xu hướng đổ lỗi cho người khác hơn là rèn luyện lòng trắc ẩn (thông qua việc tự phản ánh, tự chịu trách nhiệm và chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân).
Khi văn hoá doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng của lòng nhân ái, mọi người sẽ bước vào công ty với tâm trạng thoải mái để chú tâm vào công việc hơn. Nguồn ảnh: Stock |
Lòng nhân ái ở nơi làm việc không giống như lòng nhân ái ở bất kỳ nơi nào khác. Nó bắt đầu với một sự lựa chọn đơn giản. Đó là cởi mở để đồng cảm với người khác, hoặc ít nhất là thừa nhận rằng mọi người không xuất hiện với ý định xấu, với sự khó chịu hoặc thô lỗ. Có thể đồng nghiệp của bạn đang phải đối mặt với những khó khăn: nuôi dạy con đơn thân, các vấn đề sức khỏe, ly hôn, cái chết của người thân v.v…
Chúng ta thực sự không biết trải nghiệm của người khác trước khi chúng ta đến với nhau tại nơi làm việc chung. Vì vậy, lần tới, khi bạn đang làm việc và mọi thứ không diễn ra theo ý mình, hãy hít thở sâu và nghĩ rằng đồng nghiệp của bạn có ý định tích cực.