WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ
Sống khỏe - Ngày đăng : 05:05, 24/07/2022
Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Sau đó bệnh mới được phát hiện ở người vào năm 1970. Đây là bệnh lây nhiễm từ động vật do virus gây ra, có nghĩa là bệnh có thể lây lan từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, Tổng giám đốc WHO nhận định mối đe dọa của bệnh hiện ở mức độ vừa phải trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu là mức cao. Ông Ghebreyesusnói: "Với những công cụ chúng ta có hiện nay, chúng ta có thể kiểm soát dịch bệnh bùng phát và ngăn chặn sự lây nhiễm". Cũng theo giới chức WHO, gần một nửa trong số những nước phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào thời điểm hiện nay đã đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine ngừa căn bệnh này.
Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi nhưng từ tháng Năm vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài hai khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Tính đến nay đã có hơn 15.000 ca được báo cáo mắc bệnh đậu mùa khỉ ở những nước trước đây không hề phát hiện căn bệnh này. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.
Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Y tế, đến nay, nước ta chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Hầu hết các ca đậu mùa khi ghi nhận đều thấy rằng biểu hiện ban đầu phần lớn là sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng hạch bạch huyết và kiệt sức. Với người bệnh đã khởi phát cơn sốt phần lớn người bệnh đều nổi ban kèm ngứa ngáy 1 - 3 ngày. Mặt là bộ phận đầu tiên xuất hiện và sau đó sẽ lan rộng sang các bộ phận còn lại trên cơ thể.
Ban đầu mụn có mủ nước sẽ chỉ xuất hiện lưa thưa nhưng sau đó sẽ phát tán và số nốt có thể đến hàng nghìn. Bên trong mỗi nốt mụn chứa đầy dịch được gọi là mủ.
Dựa theo những phân tích y khoa, bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm chính:
- Lây nhiễm thông qua vết xước, vết cắn mà động vật cắn đã nhiễm virus
- Người ăn thịt động vật và động vật bị ăn thịt đó đang nhiễm bệnh
- Người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ cần 5 - 21 ngày mới có thể nhìn thấy. Khi đó, da bắt đầu chịu tổn thương. Song song với tổn thương da là tổn thương đường hô hấp hay niêm mạc tại mắt, mũi, miệng. Đối với con người, bệnh này có thể lây qua giọt bắn nhưng khoảng cách là ngắn nên nếu không tiếp xúc gần sẽ không dẫn đến lây nhiễm cao.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 6 biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ:
1 - Khi đến các vùng có dịch: Tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng); không ăn thịt hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã; không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ.
2 - Tránh tiếp xúc gần với người có bệnh.
3 - Thường xuyên rửa tay.
4 - Che miệng khi ho, hắt hơi.
5 - Khi có triệu chứng nghi ngờ cần chủ động cách ly và tránh quan hệ tình dục; liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi và tư vấn.
6 - Người được xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi khỏi bệnh.