Tăng trưởng tín dụng: Khó nới lỏng quá mức

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 04:24, 25/07/2022

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, mặc dù không ít chuyên gia đề xuất nên mở rộng tăng trưởng tín dụng cũng như bỏ cơ chế cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng (NH), nhưng dù chịu áp lực lạm phát, NHNN vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) 14% trong năm nay.
Tăng trưởng tín dụng: Khó nới lỏng quá mức

Dư địa hạn hẹp nửa cuối năm

Số liệu thống kê cho thấy, tín dụng đến cuối tháng 6 của ngành NH đã tăng đến 9,35%, cao hơn rất nhiều mức 6,44% của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng 14% vẫn giữ nguyên, có thể thấy dư địa TTTD trong 6 tháng cuối năm chỉ còn chưa đến 5%, tức chỉ còn gần 500.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm, tương đương 50% so với mức gần 1 triệu tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Đáng lưu ý, nhiều NH hiện nay đã hết dư địa TTTD, do đó thời gian qua không thể tăng trưởng cho vay mới và vẫn chờ được NHNN nới thêm room. Trong khi đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đã bắt đầu được các NH triển khai, nhưng nếu không sớm được nới mục tiêu TTTD, các NH cũng không có thêm dư địa để triển khai. Đây cũng là hạn chế mà một số lãnh đạo NH đã hết room tín dụng nêu ra trong thời gian gần đây.

Được biết, room tín dụng quy định TTTD tối đa của ngành NH do NHNN công bố vào đầu mỗi năm. Cơ chế này được triển khai vào năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn lạm phát cao, xuất phát từ việc gia tăng cung tiền liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Theo đó, dựa trên mức TTTD chung của nền kinh tế, NHNN sẽ phân phối tỷ lệ room tín dụng cho các NH tùy vào "sức khỏe" tài chính của mỗi nhà băng cũng như chất lượng và hiệu quả quản lý tín dụng. Gần đây, NHNN chỉ cấp dư địa tăng trưởng cho từng quý và quyết định điều chỉnh sau nửa năm.

Trước tình hình này, gần đây một số ý kiến đề xuất NHNN cân nhắc bỏ cơ chế này, thay vào đó có thể sử dụng công cụ quản lý phù hợp theo tính thị trường hơn. Chẳng hạn như giám sát thông qua hệ số an toàn vốn CAR, giúp giám sát cả tài sản và vốn của NH theo thông lệ quốc tế.

Khó lòng nới lỏng TTTD quá mức

Dù vậy, người đứng đầu NHNN khẳng định, công cụ cấp hạn mức tín dụng vẫn là giải pháp được đánh giá hiệu quả trong thời gian qua và vẫn áp dụng cho đến nay. Cụ thể, từ khi áp dụng công cụ hạn mức tín dụng, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi của các NH đã không còn như trước. 

Theo NHNN, với tình hình kinh tế hiện nay sẽ rất khó nới lỏng quá mức TTTD. Thứ nhất, khi nhiều NH trung ương lớn trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ thì Việt Nam không thể nào đẩy mạnh TTTD, vì như thế sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên tỷ giá lẫn lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 đã tăng 3,18% so với đầu năm và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2021, ngày càng tiến gần đến mục tiêu lạm phát 4%, dù mới chỉ qua nửa đầu năm. Trong khi đó, diễn biến tỷ giá những tuần qua biến động rất mạnh, cầu ngoại tệ lớn khiến giá đô la Mỹ tăng cao trên cả thị trường chính thức lẫn tự do. NHNN đã phải mở kho dự trữ ngoại hối để bán xấp xỉ 12-13 tỷ USD ra nền kinh tế để giúp bình ổn thị trường. Vì vậy, việc một số nhà đầu tư kỳ vọng cho room tăng trưởng lên tới 20% hay thậm chí 30% trong năm nay là không thực tế. 

Với tình hình hiện nay, NHNN khó nới lỏng TTTD quá mức, khi mà hàng loạt NH trung ương lớn trên thế giới đang thắt chặt chính sách tiền tệ, vì như thế sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên tỷ giá lẫn lạm phát.

Thứ hai, một số dự báo cho rằng lãi suất cho vay sẽ tăng từ giờ đến cuối năm vì cầu tín dụng vẫn lớn hơn cung. Trạng thái này ngược với năm 2020, bởi lúc đó cung lớn hơn cầu dẫn tới lãi suất giảm. Cũng theo NHNN, mục tiêu TTTD được giữ nguyên sẽ giúp cải thiện mức chênh lệch giữa tín dụng - huy động vốn và từ đó giảm áp lực lên lãi suất tiền gửi, vốn đang có tín hiệu tăng từ đầu năm đến nay.

Mặt bằng lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay tăng nhẹ 0,09%, thể hiện nỗ lực của NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng đã đồng hành cùng nền kinh tế duy trì lãi suất cho vay hợp lý để không gây gánh nặng cho doanh nghiệp do dịch Covid-19.

Thứ ba, với 14% là tương đương mức TTTD các năm trước, do đó vẫn giúp các NH duy trì được tăng trưởng lợi nhuận. Nền kinh tế nước ta vẫn chịu ảnh hưởng từ bất ổn của thế giới, việc giữ nguyên mục tiêu TTTD sẽ buộc các NH "gạn đục khơi trong" và lựa chọn đúng phân khúc khách hàng, đa dạng hóa danh mục tín dụng để hạn chế rủi ro. 

Anh Khoa