Mỹ tìm cách hóa giải sức mạnh dầu khí của Nga: Liệu có khả thi?

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 26/07/2022

Các nước phương Tây đang đề xuất áp trần giá dầu của Nga để khiến nước này không còn đủ tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Đề xuất này liệu có khả thi khi nhiều nhà kinh tế cảnh báo các lệnh cấm tiếp theo có thể đẩy giá dầu lên tới 175 USD/thùng?
Mỹ tìm cách hóa giải sức mạnh dầu khí của Nga: Liệu có khả thi?

Không dễ hóa giải sức mạnh dầu khí của Nga

Áp giá trần dầu Nga có khả thi?

Giữa tháng 7/2022, tại cuộc họp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 (20 nền kinh tế hàng đầu thế giới) diễn ra ở Bali, Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi áp mức giá trần đối với dầu của Nga. Trước đó, vào cuối tháng 6/2022, các nước G7 cũng đã nhất trí nghiên cứu việc áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga để ngăn Moscow thu lời từ giá cao. Theo đó, cơ chế giới hạn giá sẽ bao gồm việc Mỹ và các quốc gia khác hình thành một tổ chức chung để mua dầu của Nga với giá đủ thấp để Nga có lợi nhuận và chấp nhận tiếp tục cung ứng dầu, nhưng không giúp Nga có nhiều tiền để tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) còn công bố biện pháp cấm bảo hiểm dầu mỏ Nga với thời gian áp dụng dự kiến vào cuối năm nay. Biện pháp này nhằm gắn các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu đường biển với giá dầu của Nga. Theo đó, các công ty vận chuyển muốn tiếp cận những dịch vụ này từ các công ty thuộc G7 phải cam kết giá dầu từ Nga không được bán trên mức giá trần.

Dù vậy, đề xuất này chưa nhận được sự nhất trí từ các nền kinh tế khác, đơn cử như Ấn Độ không cân nhắc chính sách này, còn Trung Quốc cảnh báo áp mức giá trần đối với dầu của Nga có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine. Một số nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và vài quốc gia châu Phi, Trung Đông đang tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga với mức giá giảm sâu so với giá thị trường sau khi nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu đã ngừng mua dầu từ Nga.

Về phần mình, Moscow khẳng định sẽ ngừng cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu mức giá trần được áp dụng thấp hơn chi phí sản xuất. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo giá dầu sẽ tăng mạnh nếu phương Tây áp đặt mức giá trần. Hồi tháng 3 vừa qua, giá dầu thô đã tăng trên 120 USD/thùng ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo các lệnh cấm vận tiếp theo có thể đẩy giá dầu lên 175 USD/thùng.

Hóa giải sức mạnh của Nga

Ngày 20/7/2022, các nước thuộc EU đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó cấm nhập khẩu vàng và phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank. 

Có thể thấy, ngoài xung đột Ukraine, Nga và phương Tây còn đối đầu quyết liệt trong "cuộc chiến kinh tế” mà ở đó, ai chịu đựng bền bỉ hơn sẽ thắng. Dù Nga dường như đang chịu thiệt hại nhiều hơn khi bị các nước phương Tây "đánh hội đồng", với tăng trưởng kinh tế được dự báo sụt giảm mạnh trong năm nay, chi phí sinh hoạt tăng vọt và hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đã rút khỏi Nga, nhưng rõ ràng cả Mỹ và EU cũng đang phải gánh chịu lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. 

Cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Biden viết trên Twitter rằng: "Ruble gần như ngay lập tức biến thành đồng tiền rác. Nền kinh tế Nga đang trên đà sụt giảm một nửa". Song thực tế là đồng ruble giảm mạnh giá trị vào đầu tháng 3 nhưng đã nhanh chóng hồi phục nhờ Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất, kiểm soát vốn, tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu. 

Theo JPMorgan, Nga đang xuất khẩu ít dầu hơn, nhưng giá năng lượng tăng mạnh đồng nghĩa nước này sẽ có doanh thu cao hơn.  Khi kế hoạch cấm phần lớn dầu Nga được EU thực thi vào cuối năm nay, giá năng lượng sẽ tăng mạnh hơn nữa, thậm chí có thể đẩy Mỹ và EU vào suy thoái. 

Các biện pháp trừng phạt Nga thậm chí còn phản tác dụng, làm tổn thương các quốc gia áp đặt chúng và mang lại lợi ích cho Nga. Theo JPMorgan, Nga đang xuất khẩu ít dầu hơn nhưng giá năng lượng tăng mạnh đồng nghĩa nước này có doanh thu cao hơn.  Khi kế hoạch cấm phần lớn dầu Nga được EU thực thi vào cuối năm nay, giá năng lượng sẽ tăng  hơn nữa, thậm chí có thể đẩy Mỹ và EU vào suy thoái. Đó là lý do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch áp giá trần với dầu Nga và thuyết phục các nước châu Á như Trung Quốc tham gia.

Vừa qua, Tổng thống Biden đã thăm Trung Đông với tham vọng "hạ nhiệt" khủng hoảng dầu và thắt chặt quan hệ khu vực, nhưng dường như không đạt được mục tiêu nào. Ngoại trưởng Arab Saudi Faisal bin Farhan ngày 16/7/2022 cho biết, Riyadh sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với các bên. Giới phân tích cũng cho rằng, Mỹ rất khó gạt Nga ra khỏi Trung Đông, không chỉ bởi Moscow hiện diện mạnh mẽ ở đó, mà còn vì nước này chia sẻ mối quan hệ năng lượng chặt chẽ với các nước trong khu vực. 

Khánh Phương