Tình doanh nhân – Nghĩa đồng đội

Chân dung - Ngày đăng : 00:42, 26/07/2022

Các doanh nhân, Cựu chiến binh nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt thác ghềnh không chỉ sản xuất giỏi, kinh doanh tài ba mà công tác xã hội cũng thật tuyệt vời.
Tình doanh nhân – Nghĩa đồng đội

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Cựu chiến binh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Đức Lạc (thứ 2 từ trái qua)

Kết thúc chiến tranh, những người lính bộ đội cụ Hồ trở về với đời thường. Với đôi bàn tay trắng, họ đã vượt qua bao khó khăn, vất vả để trở thành doanh nhân, mong muốn được tiếp tục đóng góp công sức xây dựng đất nước và cộng đồng, đồng đội. Họ đã trở thành những chiến sĩ thời bình, những tấm gương cho thế hệ trẻ với tinh thần kiên cường, dấn thân và không bao giờ bỏ cuộc. 

Khi người lính trở về...

Ngày 20/7 - một ngày mưa, mưa biển tầm tã ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ đầu giờ sáng đến tận chiều. Gần trọn 40 năm sống và làm việc nơi xứ biển Vũng Tàu nhưng ít có lúc nào tôi thấy mưa lai nhai, khi ầm ào, lúc ngớt tạnh, lại ào ạt mưa kiểu như thế. 

Tôi gặp doanh nhân, Cựu chiến binh Đào Quốc Tuấn và Nguyễn Đức Lạc vào ngày mưa như thế và cùng ngồi mé cà phê biển, đầu đường Thi Sách, hướng về bãi biển Thùy Vân. Nơi mà chính quyền và nhân dân Vũng Tàu đã dành vị trí đẹp nhất trên ngọn đồi đắc địa làm nơi tưởng niệm thờ cúng và tri ân gần 20 anh hùng liệt sĩ của thành phố.

Doanh nhân, Cựu chiến binh Đào Quốc Tuấn sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Sau hơn 5 năm quân ngũ, năm 1982, Đào Quốc Tuấn được chuyển ngành. Anh đã chọn làm việc tại Công ty Cung ứng tàu biển. Năm 1988, Công ty Cung ứng tàu biển liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam, thành lập chi nhánh Seaprodex Vũng Tàu. Năm 1992, Đào Quốc Tuấn sáng lập Công ty TNHH mang tên Tứ Hải.

-8922-1658804035.jpg

Doanh nhân, Cựu chiến binh Đào Quốc Tuấn

Hoa hồng nào mà chẳng có gai, thành công nào mà không nếm trải gian truân. Tại cà phê biển ngày mưa, doanh nhân, Cựu chiến binh Đào Quốc Tuấn chân thành, cởi mở: “Tứ Hải của tôi đã trải qua năm 2021 cực kỳ khó khăn nhưng thắng oanh liệt. Tứ Hải là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm hải sản xuất khẩu, nhưng đại dịch đã làm cho mạch cung ứng hàng hóa toàn cầu bị tắc nghẽn. Hàng không ngừng bay. Tàu biển ngừng chạy, trong kho lưu hàng nghìn tấn hàng không thể di chuyển. Việc giam hàng, tồn kho, hàng hóa không lưu chuyển là thách thức cực lớn”.

Ly cà phê tí tách, giọt mưa ngoài trời vẫn đong đưa cùng gió, Đào Quốc Tuấn tiếp tục kể chuyện: “Mà khổ lắm, khi xuất được hàng, tuy chỉ là nhỏ giọt, Tứ Hải lại đối mặt với vận chuyển và giá cước, có lúc đội giá gấp 5 lần, xuất kho, lên đường, qua cả chục trạm gác Covid-19, thủ tục hải quan, ngàn nẻo gian truân!”.

Doanh nhân, Cựu chiến binh Nguyễn Đức Lạc, vốn là ông giáo nhi nhã, trải qua chục năm lính, bộ đội biên phòng biển, nay là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Cựu chiến binh Bà Rịa - Vũng Tàu ngồi cạnh, một doanh nhân thành đạt bắt đầu từ nghề kinh doanh hải sản, góp vui:  “Năm 2021, giá trị xuất khẩu của Tứ Hải đạt 500 tỷ đồng, tăng tuyệt đối 100 tỷ đồng so với năm 2020, bảo đảm việc làm, cuộc sống người lao động và gia đình họ trong bối cảnh “ba tại chỗ” chống dịch bệnh. Tứ Hải chi 6,5 tỷ đồng làm công tác xã hội, chống đại dịch, chăm sóc gia đình chính sách, người có công, Chủ tịch UBND tỉnh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen doanh nhân xuất sắc năm 2021”.

Chúng tôi hỏi thêm doanh nhân Đào Quốc Tuấn và Nguyễn Đức Lạc về hoạt động của doanh nghiệp năm 2022 và các năm tiếp sau. Tuấn thay lời doanh nhân Nguyễn Đức Lạc: “Bên Công ty Hải Phương của Lạc làm ăn bài bản, nhiều kinh nghiệm, trải qua mấy chục năm “thương trường là chiến trường”, đang hướng tới mở rộng kinh doanh khu vực biển Đất Đỏ - Long Điền - Long Hải. Đóng hay mở thì chúng tôi vẫn luôn giữ trọn đạo đức doanh nhân, quan tâm đúng mức trách nhiệm xã hội, tích cực làm từ thiện xã hội, đóng góp quỹ học bổng, khích lệ tinh thần “xã hội học tập”, chăm sóc gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách”.

Quá trưa, mưa rơi, gió vẫn ào ạt thổi. Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Cựu chiến binh Nguyễn Đức Lạc - người con của quê hương Hà Tĩnh, vừa trở về từ đêm tri ân liệt sĩ tại di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, cất tiếng đồng tình: “Mỗi năm cứ dịp tháng Tư, kỷ niệm Ngày Đại thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tháng Bảy tri ân thương binh - gia đình liệt sĩ, các doanh nhân cựu chiến binh chúng tôi lại lên đường, gọn nhẹ theo tác phong lính, không ồn ào, thực hiện các tiêu chí “Ngôi nhà tình nghĩa”, “Ngôi nhà tình thương”, thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng mà chúng tôi nhận chăm sóc. Năm trước, một bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 90 tuổi qua đời, chúng tôi đã đưa mẹ về Thanh Hóa quê nhà cùng chính quyền và Chi hội cựu chiến binh sở tại thực hiện các nghi thức an táng Mẹ trang trọng, trọn vẹn, nghĩa tình.

Một ngày mưa, câu chuyện của chúng tôi với các doanh nhân, Cựu chiến binh thật ý nghĩa. Cuộc sống vẫn đều nhịp bước và đi lên không ngừng. Đất nước không ngừng đổi mới sáng tạo, phát triển, ngày càng có vị thế cao trên trường quốc tế. Hạnh phúc này, niềm tự hào này có được đã phải trả biết bao xương máu của gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 3 triệu thương binh; “máu và hoa” cuộc trường chinh gần 30 năm trường đánh bại mọi kẻ thù xâm lược của cả dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương đau của nó vẫn còn đó. Cuộc sống còn bao việc phải làm, công tác “đền ơn đáp nghĩa” gặt hái nhiều kết quả to lớn vẫn là công việc không bao giờ ngừng nghỉ, trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, của toàn xã hội. Các doanh nhân, Cựu chiến binh nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt thác ghềnh không chỉ sản xuất giỏi, kinh doanh tài ba mà công tác xã hội cũng thật tuyệt vời.

Một nén tâm nhang, một bó hoa tươi thắm đặt lên mộ chí các liệt sĩ, dâng tặng các thương binh; thêm nhiều món quà thiết thực, hiệu quả dành cho người có công, gia đình chính sách, là trách nhiệm cao cả và tình cảm thiêng liêng không của riêng ai. 

Phạm Quốc Toàn