Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp - Quá chậm
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 27/07/2022
Theo Nghị định 31 của Chính phủ, trong hai năm 2022-2023, ngân sách nhà nước dành 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm giúp các hộ kinh doanh, hợp tác xã, DN phục hồi. Cụ thể, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy tính và hoạt động liên quan... và nhóm các DN thực hiện nhà ở xã hội, nhà cho công nhân, cải tạo chung cư cũ được hỗ trợ lãi suất 2%.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, DN đủ điều kiện. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.
Vào giữa tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03 để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai gói hỗ trợ này. Và theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn nắm bắt, hướng dẫn, sử dụng quy trình, tổ chức tập huấn cho toàn hệ thống tín dụng để triển khai thực hiện, đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.
Thế nhưng, trên thực tế, đến nay, gần hai tháng kể từ khi có thông tư hướng dẫn, các DN vẫn chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ. Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết, thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng công ty chưa làm thủ tục xin giảm lãi suất cho vay vì đến giờ này các ngân hàng thông báo "chưa có chính sách nhất quán từ hội sở". Vậy nhưng các ngân hàng đều có thông báo tăng lãi suất cho vay. Ví dụ trước đây, các khoản vay có lãi suất 7-7,5%/năm thì nay lên 8-8,5%. Nếu được giảm 2% theo chương trình hỗ trợ, DN sẽ còn trả 6-6,5%/năm. Về bản chất, mức hỗ trợ này cũng giúp giảm chi phí tài chính cho các công ty nhưng không đúng như kỳ vọng ở mức 2% mà chỉ giảm được 1% so với năm trước, khoản tiền được giảm không lớn. "Với gói hỗ trợ lãi suất này, các ngân hàng hưởng lợi nhiều hơn là DN. Dù vậy, đến nay, các ngân hàng chỉ thông báo là sắp triển khai nhưng chúng tôi không biết đến bao giờ", ông Tống nói.
Thậm chí, nhiều DN như Công ty Máy Thép Việt còn chưa biết về gói hỗ trợ này. Theo ông Kiều Huỳnh Sơn - Giám đốc Công ty Máy Thép Việt, công ty chưa nghe nói về gói hỗ trợ này và đang gặp khó trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Từ tháng 2 đến nay, công ty đã 3 lần gửi công văn đến Cục Thuế TP.HCM, Chi cục Thuế quận 1 đề nghị giải quyết hồ sơ hoàn thuế từ tháng 12/2020 - 11/2021. Công ty đã cung cấp các chứng từ, giải trình theo yêu cầu của Chi cục Thuế quận 1 nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ công văn trả lời nào từ cơ quan chức năng là hồ sơ đến đâu và khi nào được hoàn thuế.
"Công ty hoàn thành nghĩa vụ đầy đủ với cơ quan thuế và cho đến thời điểm này không phát sinh nghĩa vụ nợ thuế hay bất kỳ khoản phát sinh nào trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về thuế. Là công ty nghiên cứu và chế tạo máy móc thiết bị với trên 80% doanh số đến từ việc xuất khẩu. Hiệu quả kinh tế và tài chính cuối năm phần lớn phụ thuộc vào hoàn thuế vậy nhưng đến giờ chúng tôi không biết đến bao giờ mới nhận được khoản tiền hoàn thuế thời gian qua", ông Kiều Huỳnh Sơn phân trần.
Hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 được xem là chiếc "phao vàng" giúp DN tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo các DN, muốn được tiếp cận "phao vàng" DN phải khỏe mạnh. Cụ thể, DN phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 - 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác. Nghĩa là các DN nào có khả năng phục hồi mới được vay vốn.
Điều kiện vay là vậy nên với một số DN ngành du lịch mặc dù nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất nhưng không chắc tiếp cận được nguồn vốn. Bởi sau hai năm đối mặt với dịch bệnh, nhiều công ty đã không còn tài sản để thế chấp cho khoản vay mới hay nói cách khác vẫn không đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng.
Vấn đề DN quan tâm hiện nay là các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhanh chóng cho biết họ có đủ chuẩn để hưởng gói hỗ trợ này không. Nếu đủ thì cần làm gì và thời gian là bao lâu. Vì việc triển khai chậm chạp như hiện nay sẽ khó "cứu" được DN, giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Và việc vay được gói hỗ trợ này càng muộn sẽ càng không có nhiều ý nghĩa với DN bởi hiện lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã tăng, chi phí đầu vào tiếp tục lên cao. Chính sự chậm chạp này cũng sẽ khiến các DN có ý định mở rộng đầu tư và đang chờ gói hỗ trợ này sẽ đánh mất cơ hội.