Tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản: Có nên hình sự hóa những hành vi IUU?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:22, 27/07/2022
Thiệt hại nghiêm trọng từ "thẻ vàng" EU
Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm", PGS-TS. Lê Vũ Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, đến nay Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" và phạt "thẻ đỏ” đối với 26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo đó, tháng 10/2017, EC đã áp dụng "thẻ vàng" cảnh cáo ngành thủy sản Việt Nam vì hành vi đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU). Đến nay, sau gần 5 năm bị "thẻ vàng", Việt Nam vẫn chưa gỡ bỏ được do tình trạng khai thác hải sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.
Việc bị áp dụng "thẻ vàng" đã dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành đánh bắt hải sản Việt Nam. Sau khi bị cảnh báo "thẻ vàng", sản lượng xuất khẩu hải sản của Việt Nam giảm 6% ở năm thứ nhất và 9% ở năm thứ hai; từ cuối năm 2017-2019, xuất khẩu hải sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10% tương đương 43 triệu USD. Theo PGS-TS. Ngô Hữu Phước - giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật ước tính mỗi năm IUU làm các nước giảm từ 9-24 tỷ USD xuất khẩu hải sản. Tuy nhiên, những thống kê về thiệt hại mà IUU gây ra chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Bị cảnh cáo "thẻ vàng" còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác cũng như chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu hải sản xuất khẩu sang EU, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và thương hiệu của ngành thủy sản quốc gia. Trong trường hợp bị EC phạt "thẻ đỏ”, thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với lệnh cấm thương mại của EC, tức đóng cửa với hàng hải sản, nếu không thoát ra được IUU. Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Tại hội thảo, PGS-TS. Ngô Hữu Phước cho biết, những giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn IUU ở Việt Nam cần được thực hiện ở cấp độ quốc gia. Theo đó, ông đề xuất nghiên cứu, xây dựng bộ quy tắc nghề cá của Việt Nam, luật khai thác thủy sản trên biển hoặc luật nghề cá và ký kết hiệp định nghề cá mới trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
So với các quốc gia khác trên thế giới, quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xử phạt các hành vi IUU vẫn chưa đủ mạnh. Ông Ngô Hữu Phước khuyến nghị bổ sung tội danh "khai thác bất hợp pháp" vào Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Về vấn đề này, TS. Tô Văn Phương - Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản Trường Đại học Nha Trang cho rằng: "Việt Nam cần sử dụng các hình thức xử phạt hành chính ở mức cao nhất, xem xét xử lý hình sự, phạt tù đối với ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài".
Theo TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, hiện nay Biển Đông có nhiều khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn, gây khó khăn trong việc phân chia phạm vi đánh bắt hải sản. Vì vậy, các quốc gia Đông Nam Á cần phân định rõ các khu vực bị chồng lấn để giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài của ngư dân - vốn là lý do khiến EC vẫn chưa gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam suốt 5 năm qua.
Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cũng cho biết, Ireland và nhiều quốc gia khác ngăn chặn và giảm thiểu IUU thành công là nhờ lực lượng điều tra chấp pháp trên biển mạnh và số lượng tàu cá ít. Ở Việt Nam có 28 tỉnh ven biển nhưng chỉ có 7 tỉnh thành lập được lực lượng kiểm ngư, lại hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, phải tăng cường tàu kiểm ngư, tàu tuần tra chấp pháp bảo vệ dân, đồng thời xây dựng hệ thống giám sát tàu cá quốc gia để tạo điều kiện cho Việt Nam sớm được EU trả lại "thẻ xanh" cho ngành thủy sản.
Có nên hình sự hóa những hành vi IUU?
Nhiều chuyên gia nhận định, mức phạt đối với những vi phạm trong việc đánh bắt hải sản ở nước ta còn nhẹ, chỉ mang tính hành chính, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng khai thác trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra vấn đề cho hệ thống pháp luật Việt Nam, liệu có nên hình sự hóa những hành vi đánh bắt thủy sản trái phép.
Theo chia sẻ của TS. Laurie Nicola OKeeffe - Trường Đại học UCC, Ireland không xử phạt hành chính mà xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghề cá trên biển. Thực tế cho thấy, việc áp dụng này đã đạt được những hiệu quả nhất định, làm giảm thiểu số lượng đánh bắt hải sản trái phép tại Ireland. Thái Lan cũng đã ban hành những quy định mới về xử phạt để thắt chặt hơn nữa việc đánh bắt trái phép hải sản. Việc áp dụng song song xử phạt hành chính và xử lý hình sự cũng đã góp phần giúp Thái Lan tháo gỡ "thẻ vàng" EU trong vòng 3 năm.
Cũng theo bà OKeeffe, việc hình sự hóa những vi phạm IUU có thể làm giảm số lượng vi phạm bởi nó mang tính răn đe cao. Tuy nhiên, nếu để áp dụng vào thực trạng Việt Nam thì có thể vẫn còn bất cập bởi luật pháp Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực thủy sản còn nhiều vướng mắc trong việc phân chia ranh giới trên biển và hệ thống điều tra giám sát chưa đồng bộ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho thẩm phán và bồi thẩm đoàn trong việc phán quyết vi phạm IUU.