TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho Thành phố cơ chế vượt trội

Trong nước - Ngày đăng : 04:48, 27/07/2022

Làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo TP.HCM đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm giải toả một số ách tắc, giúp TP.HCM có thể bứt tốc phát triển.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho Thành phố cơ chế vượt trội

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với UBND TPHCM ngày 27/7- Ảnh: Việt Dũng/SGGP

Trước buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thị sát một số công trình như nhà ga  trung tâm Bến Thành, ga Ba Son (thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên)... Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp TP.HCM phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung tháo gỡ những ách tắc liên quan đến các dự án đầu tư công trọng điểm của TP.HCM như dự án đường Vành đai 3, tuyến Metro số 1...

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 122/TB-VPCP, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến nay, TP.HCM đã cơ bản hoàn thành 13/16 nhóm việc, đang triển khai 3 nhóm việc còn lại. 

Để tháo gỡ vướng mắc trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố và hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng quan tâm, thống nhất về chủ trương để UBND TP.HCM phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành rà soát, nghiên cứu từng nội dung và đề xuất cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian sớm nhất đối với các nội dung vướng mắc về cơ chế chính sách.

Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành nghị quyết triển khai thực hiện đường vành đai 3 và bố trí vốn cho dự án này; chỉ đạo về quy mô đầu tư, hình thức đầu tư và thời gian thực hiện dự án đường vành đai 4.

Dự án đường vành đai 4 có 2 dự án thành phần đi qua TP.HCM và Long An có giá trị khối lượng giải phóng mặt bằng là trên 10.000 tỷ đồng, thẩm quyền thuộc Quốc hội. Do đó, TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng giao cho một trong các địa phương làm đầu mối hoặc giao Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị dự án này trình Quốc hội để đảm bảo thời gian.

Về công tác quản lý nhà đất, lãnh đạo TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP.HCM được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất trên khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cùng với đó, được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; đồng thời giao Bộ Tài chính sớm hướng dẫn Thành phố thực hiện việc giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất trên địa bàn, hướng dẫn TP.HCM phương pháp xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê các tài sản trên.

Lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận sử dụng 3 khu đất (khu đất tại Lô C8A - Khu A – Đô thị mới Nam Thành phố, quận 7; khu đất tại 762 Bình Quới, quận Bình Thạnh và khu đất 232 Đỗ Xuân Hợp, quận 9 cũ) để thanh toán hợp đồng BT dự án. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, TP.HCM sẽ thực hiện thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường, giao và cho thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng và đúng quy định.

TP.HCM đang tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để trình Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành nghị quyết mới cho TP.HCM. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, khi xây dựng các cơ chế đặc thù của TP.HCM chưa lường hết được những khó khăn, nhất là sau 1 năm thực hiện chính quyền đô thị bộc lộ một số vướng mắc. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị thời gian tới, Chính phủ cho định hướng TP.HCM xác định các cơ chế vượt trội để Trung ương xem xét cho phép TP.HCM chủ động hơn trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách tài chính, tổ chức bộ máy…

P.V