Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đang gặp rủi ro
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 28/07/2022
Nhiều dự án bị trì hoãn đánh mất niềm tin của người mua nhà |
Khi người mua ngừng thanh toán tiền
Khoảng 100 BĐS ở 50 thành phố tại Trung Quốc đã bị người mua nhà ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp kể từ giữa tháng 7. Các ngân hàng Trung Quốc thông báo đã có 2,11 tỷ nhân dân tệ, tương đương 312 triệu USD nợ quá hạn do người mua nhà từ chối thanh toán khoản vay thế chấp đối với những nhà ở xây dở dang. Đơn cử như Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc giữa tháng 7 thông báo có khoảng 660 triệu nhân dân tệ nợ quá hạn đối với những khu nhà ở chưa hoàn thiện, trong khi tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) là 637 triệu nhân dân tệ, Ngân hàng Công nghiệp là 384 triệu nhân dân tệ.
Dữ liệu thống kê cho thấy, hiện Trung Quốc đang "ngồi trên núi nợ" thế chấp trị giá 46.000 tỷ nhân dân tệ và vẫn còn khoản nợ 13.000 tỷ nhân dân tệ của các tập đoàn địa ốc. Trong khi đó, theo ước tính của Nomura, các tập đoàn địa ốc Trung Quốc mới chỉ giao được khoảng 60% số nhà mà họ đã bán trong giai đoạn 2013-2022. Vào khoảng thời gian này, các khoản vay thế chấp của Trung Quốc đã tăng 26.300 tỷ nhân dân tệ. Còn theo dự báo của GF Securities Co., việc dừng trả nợ có thể ảnh hưởng tới 2.000 tỷ nhân dân tệ khoản vay thế chấp.
Với chính sách được phép bán nhà ở chưa hoàn thành, các công ty BĐS tại Trung Quốc những năm qua đã đầu tư hàng loạt khu nhà lớn và yêu cầu khách hàng phải thanh toán những khoản vay thế chấp trước khi được bàn giao nhà. Tuy nhiên, việc khách hàng dừng trả nợ đã bùng nổ nên ngày càng nhiều dự án bị trì hoãn, thậm chí dừng thi công do thiếu tiền.
Năm ngoái, tập đoàn BĐS lớn thứ hai Trung Quốc là China Evergrande đã chính thức vỡ nợ. Gần 800 khu nhà tại 200 thành phố của tập đoàn này không thể hoàn thành. Sau China Evergrande, ngày càng nhiều công ty địa ốc của Trung Quốc trượt tới bờ vực vỡ nợ, khiến nhiều người càng mất niềm tin và quyết định ngừng thanh toán, khiến nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc đang chịu sức ép lây lan rủi ro rất lớn.
Rủi ro lan đến các ngân hàng
Mọi thứ bắt đầu khi Bắc Kinh siết tín dụng cách đây hơn một năm, đẩy thị trường BĐS rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Ngay khi nhận thấy những rủi ro ngày càng gia tăng, giới chức Trung Quốc đã "nới lỏng gọng kìm" kiểm soát, nhưng ngành công nghiệp khổng lồ này vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng. Thị trường chứng khoán của Trung Quốc vì những ảnh hưởng trên mà gần đây đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Theo giới phân tích tài chính, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quá cực đoan của chính quyền đã tác động nghiêm trọng tới doanh thu bán nhà, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của các công ty BĐS, có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng BĐS và rủi ro nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc, khi số lượng người mua nhà không chịu trả nợ vay thế chấp quá cao sẽ làm rối loạn thị trường tài chính.
Hệ quả là ngày 17/7/2022, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc thông báo các ngân hàng cần cấp tín dụng cho những tập đoàn địa ốc uy tín nhằm kịp thời hoàn thiện các khu nhà ở. Tại Trung Quốc, ngành BĐS bao gồm cả xây dựng, kinh doanh và các dịch vụ liên quan, chiếm khoảng 1/5 GDP hằng năm. Ước tính có khoảng 70% của cải của tầng lớp trung lưu nước này gắn liền với BĐS.
Theo giới phân tích tài chính, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 quá cực đoan của chính quyền đã tác động nghiêm trọng tới doanh thu bán nhà, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của các công ty BĐS, có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng BĐS và rủi ro nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc.
Ngoài rủi ro lây lan từ thị trường BĐS sang hệ thống ngân hàng, Bắc Kinh đang chật vật xoa dịu bất bình của dư luận, sau khi những khoản tiền gửi của khách hàng bị giam tại một số ngân hàng nông thôn. Các nhà băng này vướng vào một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất đất nước.
Những tuần qua, các cuộc biểu tình đã gây rúng động miền Trung Trung Quốc. Hàng nghìn khách hàng không thể truy cập vào tài khoản tiền gửi của mình. Theo quy định, các ngân hàng địa phương ở Trung Quốc chỉ được nhận tiền gửi tiết kiệm từ người trong vùng. Nhưng theo giới chức Trung Quốc, một số nhà băng đã dùng nền tảng bên thứ ba để thu hút tiền gửi ngoài khu vực.
Đầu tháng 4, nhiều ngân hàng tạm ngừng cho khách hàng rút tiền. Vụ việc càng phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Trung Quốc có gần 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ, kiểm soát tổng cộng 14.000 tỷ USD, đang rất dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng.