Chống đỡ trước sức mạnh của USD
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 29/07/2022
EUR đã rớt về giá thấp hơn cả USD lần đầu tiên kể từ năm 2002 |
Đồng USD đã tăng giá lên mức cao nhất 20 năm qua, khi nhà đầu tư tìm tới đồng USD như một kênh trú ẩn và đặt cược rằng nền kinh tế Mỹ sẽ vững chãi hơn các nền kinh tế khác trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc và môi trường bất ổn toàn cầu. Gần đây, đồng euro thậm chí có giá thấp hơn cả đồng đô la Mỹ kể từ năm 2002, trong khi đồng yên Nhật giảm giá thấp chưa từng thấy kể từ cuối thế kỷ XX.
Giới phân tích dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ làm mọi thứ để ngăn lạm phát leo thang, trong đó tăng lãi suất là biện pháp chính. Đà tăng mạnh của đồng USD gây tổn thương tới các nền kinh tế mới nổi vì nợ bằng USD của họ trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời châm ngòi cho việc rút vốn ồ ạt ra khỏi các thị trường cổ phiếu của các quốc gia này.
Trong năm nay, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) giảm đến 20% khi các nhà đầu tư nước ngoài rút 71 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán ở châu Á mới nổi (trừ Trung Quốc), gấp đôi lượng vốn ngoại bị rút trong cả năm 2021. Đồng USD tăng cũng khiến lạm phát leo thang tại nhiều nền kinh tế, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào hàng nhập khẩu được định giá bằng USD.
Đà tăng của USD đang lan ra khỏi châu Âu và Nhật Bản. Các đồng tiền vốn được xem như thước đo tâm lý về tăng trưởng kinh tế và cổ phiếu, như AUD của Úc đã giảm trong những ngày gần đây khi nhà đầu tư cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc. Đồng AUD đã giảm hơn 10% so với đỉnh xác lập vào tháng 4/2022. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đẩy đồng yên giảm 17% so với USD.
Các nước buộc phải có giải pháp ứng phó và chống đỡ trước xu hướng tăng giá của USD, được dự báo sẽ chưa dừng lại. Đơn cử như một số nước Nam Á và Đông Nam Á đã phản ứng nhanh chóng trước các động thái của FED, giúp giá tiền tệ của họ chỉ giảm trung bình khoảng 7% trong năm so với mức giảm trung bình hơn 11% đối với các đồng tiền ở châu Âu.
Cụ thể, đồng rupiah của Indonesia và đô la Singapore giảm ít hơn một nửa so với đồng euro, vốn mất đến 11% giá trị so với đô la Mỹ trong năm nay. Tại Malaysia, đồng ringgit giảm giá 6,55% so với USD trong 7 tháng qua của năm 2022, tiền đồng của Việt Nam chỉ rớt giá khoảng 3% từ đầu năm đến nay.
Nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn giữ nguyên lãi suất ngay cả khi đối mặt với lạm phát ngày càng tăng, đơn cử như Thái Lan. Tuy nhiên, quyết tâm này có thể bị thử thách sau hàng loạt đợt thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước trong khu vực, vì nếu không hành động, các đồng tiền của nước họ có thể bị mất giá.
Riêng Trung Quốc lại có xu hướng bán bớt trái phiếu chính phủ Mỹ để đối phó với sự mạnh lên của đồng USD, vì lãi suất cơ bản USD tăng, giá trái phiếu thường giảm, đồng nghĩa với khoản thua lỗ đối với những nhà đầu tư bán trái phiếu trước khi đáo hạn. Theo số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 18/7/2022, hiện Bắc Kinh chỉ còn nắm giữ lượng danh mục trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 980,8 tỷ USD trong tháng 5. Hiện tại Nhật Bản đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ là 1.200 tỷ USD.
Các nhà phân tích của Tập đoàn Goldman Sachs Group Inc. mới đây cảnh báo các ngân hàng trung ương Mỹ Latinh cũng đang đứng trước sức ép phải mở rộng chu kỳ tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ đang mất giá nghiêm trọng, đe dọa ổn định tài chính. Các đồng nội tệ mất giá sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã "rất nóng" ở khu vực này.
Theo Goldman Sachs, các đồng nội tệ như peso Chile và Colombia vẫn dễ bị tổn thương do lo ngại về suy thoái gia tăng, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và FED thắt chặt mạnh tay hơn chính sách tiền tệ. Các nhà kinh tế dự báo trong những tháng tới, các đồng nội tệ ở Mỹ Latinh sẽ tiếp tục biến động, trong bối cảnh đô la Mỹ vẫn tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn nhất trong thời kỳ kinh tế bất ổn.