12 hành vi liên quan đến đất đai bị nghiêm cấm

Pháp luật - Ngày đăng : 05:08, 30/07/2022

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 12 hành vi liên quan đến đất đai bị nghiêm cấm.
12 hành vi liên quan đến đất đai bị nghiêm cấm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng đất đai... Tuy vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định Luật Đất đai 2013 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất.

Để bảo đảm việc xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo đúng quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023); dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm hai chương (bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành hai chương).

Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm gồm nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế theo quy định của pháp luật và không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại Khoản 5 và Khoản 10 Điều 13 dự thảo Luật.

Cụ thể, theo dự thảo, hành vi về đất đai bị nghiêm cấm được đề xuất như sau:

1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.

2. Thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.

3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.

4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.

5. Nhận quyền sử dụng đất tại các khu vực hạn chế không đúng quy định của pháp luật.

6. Nhận chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.

7. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

9. Người có chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý, sử dụng đất đai.

10. Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

11. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không chính xác về đất đai theo quy định của pháp luật.

12. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

HT