Nhà ở xã hội: Đến năm 2030, TP.HCM sẽ xây dựng 93.000 căn
Trong nước - Ngày đăng : 07:26, 01/08/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng bên cạnh phát triển nhà ở, cần hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển nhà trọ - Ảnh: VGP |
Cho hay đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng trên 1,2 triệu căn, song Thủ tướng lưu ý đăng ký là một việc, nhưng phải làm. Theo Thủ tướng, các địa phương tạo thuận lợi về cơ chế chính sách nhưng tinh thần nói đi đôi với làm, tránh tình trạng khi họp nói hoành tráng nhưng làm thì không đâu tới đâu, gây mất niềm tin, uy tín và gây nên sự thất vọng với người dân.
Đặc biệt, bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển nhà ở cho thuê đạt các tiêu chuẩn.
Đánh giá lại những vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, Thủ tướng cho rằng hiện có những vướng mắc như cơ chế chính sách chưa đáp ứng thực tiễn, chưa được bổ sung kịp thời. Trong khi đó, trình tự thủ tục chọn nhà đầu tư còn rườm rà, thực hiện các chính sách ưu đãi qua nhiều bước, thời gian kéo dài, gây cảm giác như bị cản trở…
"Kể cả người làm quản lý nhà nước lẫn người thực thi vẫn cảm thấy còn chật hẹp, chưa có không gian tốt để phát triển", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, trong khi địa phương nào quan tâm lại có hiệu quả ngay.
Theo Thủ tướng, người quan tâm phải là chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và người đứng đầu chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng, vô tư, trong sáng... Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của những người quản lý nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, người dân và người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải quan tâm, đẩy mạnh nhà ở xã hội một cách lành mạnh, bền vững.
Song song với việc phát triển nhà ở, Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện quy định pháp luật để phát triển nhà trọ, có sự can thiệp, quản lý của Nhà nước, đảm bảo môi trường sống ngày càng văn minh cho người dân.
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội nhằm điều chỉnh phù hợp với quy hoạch và thủ tục.
Theo đó, TP.HCM đã chủ động rút ngắn thủ tục, trong đó ngắn nhất 137 ngày, dài nhất 217 ngày. Ông Phan Văn Mãi cho hay Thành phố đã cố gắng rút ngắn để tạo điều kiện cho các đơn vị tiến hành, tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng có nhiều vấn đề, cần tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hơn.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để mua. Thành phố tập trung xây dựng nhà ở xã hội, cố gắng xây dựng 70.000 căn trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết từ nay đến năm 2030, Thành phố sẽ xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê.
Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị với Chính phủ 7 vấn đề, trong đó có nội dung cho phép UBND TP.HCM được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2-10 ha theo 1 trong 3 bước: i) Dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội; ii) Chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội; iii) Nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đàu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước (tương tự như Nghị định số 100/2015/NĐ-CP). Đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên, TP.HCM kiến nghị thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức dành quỹ đất 20% trong dự án theo quy định.