TP.HCM cần được tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn nữa

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 01/08/2022

Học viện Cán bộ TP.HCM đã phối hợp với cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại phía Nam tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.
TP.HCM cần được tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn nữa

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: LÊ THOA

Tại hội thảo (tổ chức ngày 30/7), nhiều đại biểu cũng gợi mở nhiều ý kiến cụ thể cho TP.HCM trong đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Theo các đại biểu, TP.HCM cần phân tích và đề xuất mạnh mẽ về tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại, các cơ chế để tăng nguồn thu phục vụ đầu tư và tái đầu tư.

Nêu thực tế hạ tầng giao thông nhiều nơi khang trang, trong khi TP.HCM thì chưa xong đường vành đai nào, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, thẳng thắn cho rằng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố không nên là 21% mà ít nhất phải bằng Hà Nội là 32%. Thậm chí, phần thu vượt cần để lại cho TP.HCM đầu tư hạ tầng.

Bà Phạm Phương Thảo còn đề xuất thực hiện mạnh hơn các giải pháp thu hồi mặt bằng nhà đất do bộ, ngành trung ương quản lý nhưng sử dụng không hiệu quả. Bà gợi ý TP.HCM có thể xử lý về mặt Đảng những cán bộ liên quan trong trường hợp Đảng bộ trực thuộc thành phố. "Mặt bằng chưa giao nhưng sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí mà vẫn hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", bà Phạm Phương Thảo trăn trở và cho rằng có thể đăng công khai các địa chỉ này cho người dân biết.

Đồng tình, ông Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV, góp ý TP.HCM cần kiến nghị trung ương xem xét nguồn ngân sách để lại cho Thành phố. Bởi lẽ theo ông đầu tư cho TP.HCM còn có ý nghĩa là đầu tư cho cả miền Nam và cả nước. "Một nơi gánh phần lớn ngân sách của cả nước phải được đầu tư thỏa đáng để trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế cả nước", ông Phan Công Khanh nhấn mạnh. Từ đó, ông gợi ý cần có một nghị quyết mở để khi thực tế đặt ra những vấn đề buộc phải xử lý thì trung ương có thể trao quyền cho TP.HCM kịp thời giải quyết vướng mắc.

Nhìn tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 54 ở TP.HCM, bà Phạm Phương Thảo cho rằng thực tế hiện nay, cơ chế xin - cho vẫn còn rất nặng nề, chưa tạo được sự chủ động cho địa phương. Do đó, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cần tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn cho TP.HCM thì mới thực sự có ý nghĩa.

Trong trường hợp chưa có nghị quyết thay thế thì có thể kéo dài Nghị quyết 54, song cần tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc. Điển hình là vướng mắc liên quan Nghị định 33/2019 và Nghị định 34/2019 về cán bộ, công chức phường, xã; có cơ chế thống nhất về biên chế cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách ở phường, xã. "Bộ Nội vụ nói dôi dư cán bộ, công chức; TP.HCM nói không dôi dư nên phải thống nhất số lượng theo tiêu chí quy mô dân số và tính chất phức tạp của công việc", bà Phạm Phương Thảo phân tích.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM dẫn chứng một phường ở thành phố chỉ 20.000 dân nhưng công việc phức tạp, mỗi ngày xử lý hàng ngàn văn bản, buộc cán bộ, công chức phải làm xuyên đêm. "Do đó, tiêu chí phải rõ ràng hoặc trao cho TP.HCM quyền chủ động biên chế, chủ động trả lương cho cán bộ, công chức theo ngân sách thành phố, do Thành ủy thống nhất chỉ đạo và HĐND TP.HCM quyết định", bà Phạm Phương Thảo nêu

Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức còn nhiều bất cập. Cụ thể, chính sách này không áp dụng cho ngành dọc như TAND, VKSND, thi hành án; tỉ lệ tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức trẻ còn thấp.

"Chuyên viên chính bậc I có thu nhập một tháng gấp đôi cán bộ trẻ - chênh lệch quá lớn, không tạo động lực cho người trẻ phát huy", ông Lê Minh Đức dẫn chứng, đồng thời đề nghị cần có chế độ riêng về tăng thu nhập cho cán bộ, công chức trẻ có hệ số lương dưới 3.0.

Trước đó, ngày 29/7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết 54 của Quốc hội. Lãnh đạo TP.HCM cho biết thành phố mong các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu và góp ý dự thảo đến khi trình Bộ Chính trị thông qua.

P.V