Du lịch golf: Nhu cầu cao nhưng khó thực hiện tour

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 01/08/2022

Mặc dù loại hình du lịch golf ngày càng có nhiều khách lựa chọn, nhưng các công ty lữ hành không mặn mà triển khai tour vì mức chiết khấu của các sân golf dành cho đại lý bán không cao, lại thất thường và thiếu nhân viên am hiểu bộ môn thể thao này.

Xu hướng chơi golf tăng

Tại tọa đàm về du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam thu hút khách quốc tế được tổ chức cuối năm ngoái, ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc VGS Media - Golf News cho biết, golf là môn thể thao luôn gắn liền với cơ hội phát triển du lịch. So với thế giới và khu vực, Việt Nam kinh doanh golf muộn nhưng lại là thị trường phát triển với tốc độ nhanh, năng động, mang đến nhiều trải nghiệm đa dạng khi kết hợp golf với du lịch và giải trí cho golfer. Năm 2019-2020, số lượng người chơi golf vào khoảng 26.000, năm 2021 đã tăng gấp đôi, lên 51.000 người.

-7019-1658820137.jpg

Ông Vũ Văn Tuyên - CEO Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho biết, lượng khách inbound (người nước ngoài đến Việt Nam) du lịch kết hợp chơi golf không nhiều, chủ yếu là dòng khách nhiều tiền. Tuy nhiên, du lịch golf nói riêng và các loại hình du lịch gắn với thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng mới được nhiều du khách lựa chọn. Hiện nay, khách nước ngoài vào Việt Nam chơi golf, nhiều nhất là từ Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường mua tour theo ba hình thức: combo (vé máy bay + lưu trú + chơi golf), nghỉ dưỡng tại resort kết hợp tham gia giải golf và khách chơi golf kết hợp công việc.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Các câu lạc bộ Golf phía Nam Lê Văn Hải, hiện có 32 trong 80 sân golf tại Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chí khắt khe về chất lượng và độ thử thách dành cho các giải đấu chuyên nghiệp chuẩn quốc tế, trải dài từ Bắc vô Nam.

Lữ hành khó làm tour golf

Mặc dù khẳng định loại hình du lịch golf ngày càng có nhiều khách lựa chọn nhưng theo ông Vũ Văn Tuyên, các công ty lữ hành không mặn mà triển khai tour vì mức chiết khấu của các sân golf dành cho đại lý bán (là công ty du lịch) không cao và thất thường, nghĩa là khách có thể thay đổi kế hoạch bất thình lình trong khi dịch vụ sân phải đặt và thanh toán trước để có chỗ. “Khách chơi golf đa phần là dòng khách có tiền, mức chi tiêu cao nhưng song song đó thì mức độ rủi ro cũng cao, xác suất “bể” dịch vụ (mất tiền lớn) nên lữ hành chỉ chọn làm tour dành cho đoàn”, ông Tuyên nói.

Ông Hirofumi Kasado - một golfer người Nhật Bản đang công tác tại Việt Nam cho biết, thường ông tự liên hệ đặt sân để chơi chứ không mua dịch vụ qua các công ty lữ hành. Theo ông Hirofumi, các công ty du lịch Việt Nam khó triển khai tour du lịch golf vì khách du lịch có thể tự chọn sân, với lại số lượng sân golf ở Việt Nam khá ít nhưng người chơi nhiều nên chi phí thuê sân thường cao. 

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Công ty Vina Travel phân tích, du lịch golf là loại sản phẩm đặc thù, golfer kết nối với nhau vì cùng chung niềm đam mê bộ môn này. Những người chơi golf là doanh nhân thành đạt và một số quan chức, chiếm khoảng 70% golfer Việt Nam hiện nay, 30% còn lại là những người mới bắt đầu hoặc thông qua golf để tìm kiếm cơ hội, mở rộng mối quan hệ kinh doanh. 

Hiện nay, các câu lạc bộ golf phát triển khá mạnh, mỗi địa phương lại có một hội về golf, chưa kể mỗi độ tuổi cũng lập nên những hội nhóm về golf, như nhóm G75, G76, G80 và các câu lạc bộ golf này đều sinh hoạt trong thời gian chơi golf hằng tuần hoặc mỗi tháng. Các golfer ngày nào cũng ra sân nên khi công ty lữ hành tổ chức tour du lịch golf (đi khỏi địa phương hoặc đi chơi golf ở nước ngoài) thì người tham gia không nhiều.

“Rất ít golfer sắp xếp được thời gian để đi theo lịch trình của công ty lữ hành”, ông Sơn nói và cho biết thêm, nếu phải đi, đa số golfer thường tự túc vì họ không thiếu thông tin dịch vụ, nên khi lữ hành làm tour mà giá cao sẽ không thu hút được họ. Đó là chưa kể golfer đa số là chủ doanh nghiệp, thường xuyên thay đổi lịch làm việc nên xác định ngày cụ thể để tham gia tour du lịch golf là rất khó. 

Ông Sơn cũng cho rằng, để triển khai được tour du lịch golf, đội ngũ nhân sự phải am hiểu về loại hình này nhưng hiện nay, tại TP.HCM, số nhân sự ở các công ty du lịch biết chơi golf không nhiều, chỉ khoảng 20 người. Vì thế, công ty lữ hành nếu muốn làm tour du lịch golf cần phải có thời gian tạo mối quan hệ với các thành viên trong các câu lạc bộ, hội golf. Nhưng ngay cả khi đã có mối quan hệ để tổ chức tour du lịch golf thì tỷ lệ lợi nhuận không cao bằng tổ chức tour du lịch đơn thuần, nên các công ty lữ hành thường không mặn mà với du lịch golf.

Theo ông Hirofumi Kasado, để lữ hành có thể làm tour du lịch golf, cần phải hiểu rõ về gói sản phẩm dịch vụ của sân golf. Chính vì thế, để triển khai được tour du lịch golf, doanh nghiệp lữ hành mong muốn có gói đánh golf với giá thấp hơn mức phí mà các sân golf áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, đại diện các sân golf vẫn giữ quan điểm golf là sản phẩm đẳng cấp cao và du lịch golf phải là sản phẩm cao cấp, nên sẽ rất khó để hạ giá tour vì chất lượng dịch vụ phải cao. Đại diện Laguna Golf Lăng Cô cho biết, sân golf có những đặc thù và tiêu chuẩn riêng, không thể đáp ứng được một số yêu cầu của công ty lữ hành, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chất lượng và thương hiệu.

Theo Hiệp hội Golf Việt Nam, một trong những trở ngại khiến nhiều người chưa tiếp cận được với golf chính là giá chơi golf của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với nhiều nước, cũng như so với bình quân thu nhập của người Việt Nam.

Ông Thân Thanh Vũ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Để du lịch golf Việt Nam phát triển, bên cạnh việc phát triển hệ thống sân, phải tạo ra phong trào chơi golf rộng rãi để gây dựng đội ngũ chơi chuyên nghiệp, tham gia các giải đấu lớn, gây dựng nên thương hiệu và đưa được các giải đấu quốc tế về tổ chức tại Việt Nam”. 

Nguyễn Nam