Giáo dục đại học: 5 trường có doanh thu nghìn tỉ
Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 05/08/2022
Thông tin được đưa ra trong báo cáo Hội nghị tự chủ giáo dục đại học (ĐH) do Bộ GD-ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 4/8 tại Hà Nội. Trong số 5 trường đạt doanh thu nghìn tỉ, có 2 trường ĐH tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP là ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kinh tế TP.HCM; 3 trường tư thục tự chủ là ĐH FPT, ĐH Văn Lang và ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech).
Nếu tính trong top 10 trường ĐH tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP23 là: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; 1 trường đại học công lập tự chủ (ĐH Bách khoa TP.HCM) và 4 trường tư thục: ĐH FPT, ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Nguyễn Tất Thành.
Trong số 30 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, có 14 trường trong danh sách trường có tổng thu cao nhất năm 2021.
Nguồn: Bộ GD-ĐT |
Về thu nhập của giảng viên, Hiện nay, giảng viên ở trường tự chủ có thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm, chiếm 5,97% tổng số giảng viên các trường khảo sát. Trên 31% có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Thu nhập của giảng viên đã tăng 8 lần sau 3 năm. Bộ GD-ĐT nhận định, chi lương, tiền công tăng nhanh đang gây áp lực tăng thu cho các trường...
Theo Bộ GD-ĐT, từ 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh. Cụ thể, thu nhập bình quân của giảng viên tăng 20,8% đối với giảng viên và của cán bộ quản lý tăng 18,7%. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, đến nay đã có 32,76% trường ĐH tự chủ bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác là rất thấp (chiếm 3,45%). Nguồn kinh phí chi cho đào tạo hiện nay chủ yếu chi cho con người (chiếm tới 73%), chi tăng cường cơ sở vật chất (mua sắm, sửa chữa) chỉ chiếm 7%, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Quỹ lương hàng năm tăng 13% và chi thuê giảng viên tăng 32% cho thấy yêu cầu chi tiền lương, tiền công cho bộ máy và giảng viên tăng nhanh gây áp lực tăng thu, trong khi nguồn ngân sách cấp tăng chậm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc.
Ngoài ra, nội dung mức chi cơ bản phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, làm hạn chế quyền tự chủ của đơn vị. Mức lương vẫn phải thực hiện theo ngạch bậc chức vụ Nhà nước quy định, trong khi không có nguồn thu, hoặc nguồn thu thấp nên không có nguồn chi trả thu nhập tăng thêm...