Khơi thông nguồn lực để đón khách quốc tế

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:41, 09/08/2022

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Văn Hùng tại chương trình "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022" diễn ra vào ngày 8/8/2022 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM).

Vẫn còn nhiều trở ngại

Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, du lịch thành phố đã đón khoảng 13,3 triệu lượt khách nội địa và khoảng 765.000 lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 60.379 tỷ đồng, tăng 57,82% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 75,5% so với kế hoạch năm. "Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế nêu trên vẫn còn rất khiêm tốn so với trước đại dịch Covid-19 cũng như tiềm năng thu hút khách du lịch của thành phố”, bà Thắng nói.

Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, mặc dù đã có sự chuyển biến đáng kể về lượng khách quốc tế đến Việt Nam kể từ khi nước ta mở cửa hoàn toàn cho du lịch, tuy nhiên những thách thức vẫn đang ở phía trước. Chúng ta đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt với các nước trên thế giới, nhất là thị trường du lịch quốc tế của chúng ta chưa được khai thông, mở rộng.

Một trong những trở ngại theo ông Hùng chính là nguồn nhân lực đang thiếu và yếu, chưa thể thực hiện được các nhiệm vụ phát triển của ngành. "Từ góc độ doanh nghiệp hay quản trị quốc gia đều thấy khát vọng phát triển và những khó khăn phải giải quyết. Bên cạnh đó, chúng ta mong muốn mở cửa nhưng vẫn đang phụ thuộc vào chính sách, sự mở cửa của các quốc gia khác", Bộ trưởng nói thêm.

"Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cũng khiến một trong những thị trường du lịch lớn, quen thuộc của nước ta bị ảnh hưởng. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc lại đang tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta không phải muốn đón khách là đón được nhưng vẫn phải nỗ lực thu hút khách trở lại, tính toán về visa, các chính sách thuận lợi để mở cửa", Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chia sẻ về những khó khăn, trở ngại từ công việc đón khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện nên vẫn cần những bước đi thận trọng, đặt tính mạng người dân lên trên hết. Không thể vì sự phát triển kinh tế mà đánh đổi. Các quốc gia trong khu vực cũng đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá du lịch để "kéo khách". Nước ta ở cạnh các nước du lịch phát triển mạnh, có rất nhiều kinh nghiệm, sự chuyên nghiệp mà chúng ta phải học tập. Như Thái Lan, họ luôn quan sát ngành du lịch nước ta để tìm cách vượt lên trước. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ chậm chân, khó có điều kiện đuổi kịp họ. 

Cần sớm có những chính sách

Phát biểu tại tọa đàm, bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc Điều hành Công ty Du lịch và Sự kiện Viettours cho rằng, để làm sao nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào một thực trạng hiện nay. Đó là cơ sở hạ tầng ngành du lịch quá tải, như mới đây doanh nghiệp của bà tổ chức đưa đoàn khách MICE gồm 600 người tới TP.HCM nhưng khách sạn 5 sao thông báo phải tới 23 giờ đêm mới có phòng. Nguyên nhân không phải vì hết phòng mà là vì không có người dọn phòng.

Về điều này, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Saigontourist nhìn nhận, nguồn nhân lực du lịch sau dịch bệnh gần như đứt gãy, không chỉ thiếu mà còn suy giảm mạnh về chất lượng. Nếu không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo về du lịch, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp để phục hồi nhanh chóng nguồn nhân lực thì sẽ rất khó để đảm bảo chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm trong giai đoạn tới.

-3818-1660027652.jpg

Các đại biểu dự khai mạc sự kiện Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Travel Mart đề xuất, để sớm khơi thông dòng chảy khách quốc tế, Việt Nam phải trao đổi với các cơ quan ngoại giao để mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, phải tháo gỡ các điểm nghẽn cho từng địa phương, xây dựng được thể chế xúc tiến vùng để hình thành các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách các nước.

Đồng tình với những vấn đề này, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh, thị trường quốc tế vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Vì thế, ông kiến nghị lãnh đạo ngành cùng các địa phương cần nhanh chóng định hướng nguồn khách, định hướng thị trường cho các doanh nghiệp theo hai giai đoạn, từ nay đến cuối năm và từ năm 2023. "Việt Nam cần có hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo và hấp dẫn hơn. Mỗi địa phương cần có ít nhất một sản phẩm khác biệt để tạo ra hệ thống sản phẩm mới đủ sức thu hút du khách, để du lịch quốc tế phục hồi nhanh chóng", ông Thắng kiến nghị.

Nỗ lực kết nối

Góc  độ quản lý  nhà nước, Bộ VH-TT&DL đề nghị cần có tư duy mới và hành động mới trên cơ sở nhận diện thực trạng du lịch vừa qua. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị những người trực tiếp làm nhiệm vụ du lịch tập trung vào nhóm từ khóa mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại lễ khai mạc "Năm du lịch quốc gia 2022" tại Quảng Nam là "Hòa bình, hợp tác, phát triển, xanh hóa, an toàn, thân thiện, số hóa, kết nối". 

Với chủ đề "Tăng trưởng du lịch quốc tế, phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam", chương trình "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022" là sự kiện quan trọng của ngành du lịch diễn ra trong hai ngày 8-9/8/2022 tại TP.HCM.

Sự kiện còn có chương trình tọa đàm "Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam" với chủ đề "Sản phẩm mới, thị trường mới" và hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho khách sạn cao cấp trong giai đoạn mới và 120 gian hàng dành cho doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn, địa phương.

"Hôm nay, chúng ta đang nhìn lại và đang nỗ lực để kết nối. Tới đây, chúng ta phải tính đến số hóa ngành du lịch mạnh mẽ hơn", ông Nguyễn Văn Hùng nói.  Ông cũng cho biết thêm: "Muốn làm được du lịch, đòi hỏi phải có sản phẩm. Sản phẩm quyết định việc khôi phục, thúc đẩy phát triển du lịch trở lại. Chính vì vậy, phải làm mới sản phẩm du lịch hiện có, phải đầu tư xây dựng sản phẩm mới. Nếu đi theo kinh nghiệm, đi theo cái ta đã có thì rất khó vì thị trường không phải bán cái đang có mà bán cái khách hàng cần. Văn hóa chính là linh hồn của các sản phẩm du lịch, là thứ mà các công ty du lịch cần hướng tới. Nếu doanh nghiệp du lịch làm được điều này thì công ty phát triển bền vững".  

Cũng theo Bộ VH-TT&DL, hành động mới nữa là liên kết để phát triển. Sự liên kết phải đi vào thực chất chứ không phải ký kết xong văn bản hợp tác là "ai về nhà nấy". Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của các hiệp hội du lịch, của chính quyền các địa phương, của doanh nghiệp trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ để hoàn thiện những chính sách tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển. Bộ đang tập trung hoàn thiện quy hoạch du lịch, xem quy hoạch là gốc, vừa là giải pháp, mục tiêu, động lực. Đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch điểm đến, quy hoạch khu du lịch. Ở cấp bộ sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể để tạo điều kiện kết nối, thu hút đầu tư du lịch, cùng với đó rà soát lại chính sách hiện hành, xem ở đâu là điểm nghẽn trong du lịch để kiến nghị tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, sắp tới sẽ tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 để rà soát lại các chính sách, kiến tạo các nhóm chính sách, ưu tiên nhiều hơn cho du lịch, xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh. "Chỉ khi người dân là chủ thể của các chương trình du lịch, lễ hội thì những chương trình đó, lễ hội đó mới phát huy được sức mạnh của cộng đồng", ông Hùng nhấn mạnh và khẳng định doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, vì thế doanh nghiệp cần tập trung xây dựng kế hoạch phát triển du lịch một cách căn cơ, bài bản, hiệu quả, bền vững.

-1270-1660027652.jpg

Khách tham quan gian hàng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tại sự kiện Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam 

Nguyễn Nam - Ảnh: Hoàng Chương