Khu nhà giàu Gangnam - chum hứng lũ của Seoul
Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 10/08/2022
Những trận mưa xối xả lớn nhất trong 80 năm qua hôm 8/8 gây ngập úng nhiều khu vực của thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi, trong đó nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Gangnam, khu sinh sống của giới nhà giàu. Hình ảnh người dân lội qua vùng nước ngập đến gần thắt lưng gần ga Gangnam và ôtô ngập nước, mắc kẹt giữa đường ở Daechi-dong gần đó được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Đây không phải lần đầu khu Gangnam ở đông nam Seoul bị ngập lụt do mưa lớn. Hồi tháng 9/2010 và tháng 7/2011, khu vực này cũng chịu tình trạng ngập tương tự, sau những trận mưa như trút, dù nước rút nhanh hơn. Theo Korea Herald, Gangnam có nguy cơ bị ngập lụt cao hơn các khu vực khác ở Seoul. Từ rất lâu trước khi Seoul trở thành đô thị hiện đại như ngày nay, Gangnam là thung lũng lầy lội nằm ven sông Hán, chỉ có vài ngôi làng thưa thớt. Khu vực này thường xuyên hứng chịu nguy cơ lũ lụt khi nước sông dâng cao.
Người dân lội qua khu vực ngập nước ở quận Gangnam, Seoul trong trận mưa lịch sử hôm 8/8. Ảnh: Yonhap. |
Đến nay, Gangnam đã lột xác, trở thành khu vực toàn đường nhựa và bê tông, nhưng điều kiện địa chất không thay đổi. Hơn 75% diện tích đất ở quận Gangnam là vùng trũng, có độ dốc 5%. Trong khi phần lớn vùng xung quanh là đất bằng, khu vực ga Gangnam thấp hơn các quận lân cận như Seocho-dong và Yeoksam-dong, khiến nước mưa dễ dồn về đây.
Một số khu vực ở Gangnam thấp hơn khoảng 10 mét so với khu vực xung quanh. Do đó, khu nhà giàu này thường được ví von như một "hangari", chum hứng nước mưa truyền thống của Hàn Quốc. Lượng mưa lớn kỷ lục tối 8/8 càng khiến tình trạng ngập lụt ở Gangnam nghiêm trọng hơn. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết mưa ở khu vực phía nam thành phố, trong đó có khu Gangnam, lớn hơn các vùng còn lại.
"Từ ngày 8 đến 9/8, lượng mưa đo được ở quận Dongjak là 425,5 mm, quận Seocho là 400,5 mm và quận Gangnam là 380 mm", một quan chức khí tượng nói. Đây là ba quận tạo thành cái gọi là "tam giác Gangnam". "Một vành đai mây di chuyển về phía nam của Seoul, gây mưa nhiều hơn cho khu vực này".
Trong khi đó, hạ tầng thoát nước của thành phố chưa thể ứng phó được với trận mưa lớn như vậy. Theo một quan chức chính quyền thủ đô Seoul, kể từ trận lụt năm 2012, giới chức tiếp tục tăng cường các biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng, như xây đường hầm thoát lũ dưới lòng đất. "Giờ đây, thành phố có thể chịu được lượng mưa lên tới 85 mm mỗi giờ. Trước đây, con số chỉ là 45 mm", quan chức này nói.
Dự án đường hầm chống lũ mới ở Banpo, gần Gangnam, đã được hoàn thành hồi tháng 6, nhưng chưa thể ứng phó được với trận mưa hơn 110 mm/giờ tối 8/8. Năm 2015, chính quyền thành phố công bố kế hoạch trị giá khoảng 1,4 nghìn tỷ won (1,07 tỷ USD) nhằm cải thiện hệ thống thoát nước ở Gangnam và các khu lân cận. Công trình ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2016, nhưng bị chậm tiến độ do ngân sách và các vấn đề khác. Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành dự án năm 2024.
Nhưng ngay cả với dự án trên, giới chuyên gia chỉ ra rằng hệ thống thoát nước Seoul cũng không thể chịu đựng được những trận mưa lớn như trong tuần này. Mạng lưới thoát nước của thành phố được thiết kế để xử lý trận mưa lớn xảy ra 30 năm một lần, trong khi trận mưa hôm 8/8 là mức lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 1942 tới nay.
(Theo VnExpress)