Làm gì để "hạ nhiệt" giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu?
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 11/08/2022
Lý giải nguyên nhân giá hàng hóa, dịch vụ chậm giảm khi giá xăng dầu đã giảm tương đối sâu, một số chuyên gia cho rằng, những mặt hàng chịu tác động của giá xăng dầu tăng khi điều chỉnh giảm cần phải có độ trễ nhất định, nhưng không thể lâu.
Theo bà Đinh Thị Nương - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một số mặt hàng chịu tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giảm giá phải cần rà soát yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định được giá bán giảm bao nhiêu.
Một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần phải bán hết số hàng trong đợt sản xuất theo giá cũ, sau đó mới bắt đầu đợt sản xuất mới theo mức giá thành thấp hơn, khi đó mới tính toán hình thành mặt bằng giá mới. Thậm chí, xăng dầu giảm giá chưa tác động nhanh đến việc giảm giá đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bởi xăng dầu không phải là yếu tố chính cấu thành giá thành của những mặt hàng này. Khi hàng hóa đã thiết lập mặt bằng giá mới tăng cao, muốn giảm trở lại cũng rất khó, bởi còn dựa theo quy luật cung cầu và phụ thuộc vào các chi phí khác ngoài yếu tố xăng dầu.
Giá xăng dầu đã giảm tương đối sâu, nhưng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa hoặc giảm chậm không tương ứng |
Mặc dù đồng tình với nhận định giảm giá hàng hóa, dịch vụ theo đà giảm giá của xăng dầu cần có độ trễ nhất định, song theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, sau một hai tuần giá xăng dầu giảm, cần phải điều chỉnh giảm giá hàng hóa, dịch vụ, không thể để lâu cả tháng.
Còn theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải), giảm giá hàng hóa, dịch vụ khi giá xăng dầu giảm sâu không thể quá trễ. Khi xăng dầu chiếm đến 30 - 40% chi phí cấu thành đầu vào một số hàng hóa, dịch vụ đã giảm sâu mà giá hàng hóa, dịch vụ chưa giảm là bất hợp lý.
Trước bối cảnh giá xăng dầu giảm, giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ở mức cao, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải rà soát, điều hành giá phù hợp để bình ổn thị trường.
Bà Đinh Thị Nương cho biết, những tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính sẽ phân tích, dự báo thị trường và cập nhật cách điều hành giá chi tiết, kịp thời để tham mưu cho Chính phủ điều hành giá và kiểm soát lạm phát hiệu quả. Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu và có tác động đến lạm phát (chỉ số CPI) cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá thị trường, nắm bắt tình hình từ các tổ chức sản xuất, kinh doanh để đề xuất các biện pháp điều hành giá phù hợp.
Các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để theo dõi, cập nhật cách điều hành giá, đánh giá tác động đến mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành hiệu quả.
Đẩy mạnh truyền thông, công khai minh bạch thông tin liên quan giá cả hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát, qua đó hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang, làm bất ổn thị trường. Cần tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý giá và quản lý lĩnh vực vận tải, tăng cường trách nhiệm về kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, xử lý nghiêm các vi phạm.