Điều không ai nói khi quảng cáo sản phẩm làm sáng da

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 11/08/2022

Từng chỉ được bán ở các chợ và cửa hàng làm đẹp, các sản phẩm làm sáng da đã bùng nổ quảng cáo trên mọi nền tảng truyền thông xã hội lớn, nơi có rất ít quy tắc để bảo vệ người tiêu dùng.

Bài điều tra thị trường các sản phẩm làm sáng da trên toàn thế giới là sự phối hợp của nhóm phóng viên CNN tại nhiều quốc gia, công bố cuối tháng 6/2022, với mục đích vạch trần các động cơ tiềm ẩn của ngành công nghiệp làm đẹp và cảnh báo một số sản phẩm làm sáng da có chứa chất độc hại và người tiêu dùng có thể gặp rủi ro.

-7483-1660104300.jpg

Có hàng triệu hướng dẫn của những người không hề có bằng cấp quảng cáo các sản phẩm được cho là hiệu quả hoặc đưa ra giải pháp cải thiện màu da tại nhà trên các nền tảng truyền thông xã hội thu hút sự quan tâm của người dùng - Ảnh: CNN

Quảng cáo sản phẩm: Thừa tác dụng, thiếu thành phần

Trên Facebook và Instagram, các nhà cung cấp đang rao bán các loại kem dưỡng và huyết thanh hứa hẹn sẽ giúp làn da sáng hơn nhưng lại cung cấp rất ít thông tin về sản phẩm, trong khi trên YouTube và TikTok, bạn có thể tìm thấy hàng ngàn hướng dẫn của những người không hề có bằng cấp quảng cáo các sản phẩm được cho là hiệu quả hoặc đưa ra giải pháp cải thiện màu da tại nhà. 

Tiến sĩ Anita Benson - bác sĩ (BS) da liễu tại Nigeria và là người sáng lập Embrace Melanin Initiative (một tổ chức phi chính phủ được thành lập để xóa bỏ chủ nghĩa về màu da và các phương pháp làm sáng da có hại từ châu Phi, đồng thời nuôi dạy một thế hệ thanh niên châu Phi chấp nhận sắc tố melanin của họ) nhận định: “Mạng xã hội đã trở thành công cụ mạnh mẽ nhất hiện nay để bán các sản phẩm làm sáng da".

Trong những năm qua, Benson đã điều trị cho nhiều người gặp các vấn đề về da sau khi sử dụng và lạm dụng các sản phẩm làm sáng da, bao gồm rất nhiều phụ nữ đã từng mua sản phẩm này trên mạng xã hội. Bà lo ngại rằng các nền tảng truyền thông xã hội đang giúp mọi người có niềm tin rằng làn da sáng gắn liền với việc mang lại sắc đẹp, thành công và sự giàu có.

Amanda Raffoul - một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Vườn ươm Sức khỏe Cộng đồng của Harvard STRIPED đang nghiên cứu cách quảng bá các sản phẩm làm sáng da trên TikTok giải thích với CNN:  "Có rất ít thông tin về cách sản xuất các sản phẩm (làm sáng da) trên các nền tảng truyền thông xã hội”.

Mặc dù tác động rộng lớn hơn vẫn chưa được chứng minh, nhưng các chuyên gia như Benson vẫn hoảng hốt về những gì họ đang chứng kiến. Bà đưa ra hashtag mang tên  #glowupchallenge có hơn 4 tỷ lượt xem trên TikTok - như một ví dụ, trong đó người dùng so sánh hình ảnh trước và sau khi dùng sản phẩm của họ. Nhiều bài đăng có nội dung khoe làn da sáng hơn sau khi dùng sản phẩm và bà tin rằng những kiểu khoe ngoại hình như vậy đã có tác động lan truyền, giúp các sản phẩm tẩy trắng "phổ biến hơn và được chấp nhận nhiều hơn".

-5658-1660104300.jpg

Hồi tháng 3/2022, Zero Mercury đã công bố có đến 47% (129/271) sản phẩm làm sáng da mà họ đã thử nghiệm có chứa hàm lượng thủy ngân cao, đa số các sản phẩm kiểm tra được sản xuất từ châu Á - Ảnh: Cosmetics & Toiletries

Được người có tầm ảnh hưởng 'tiếp tay' 

Những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã góp phần làm cho các sản phẩm tẩy trắng được mua và bán nhiều hơn. Nhiều người trong số họ được trả tiền để quảng cáo mỹ phẩm làm sáng da, thuốc viên và thuốc tiêm, cho dù năm 2020 BuzzFeed News đã đưa tin là có một số người có thể bị áp lực phải làm như vậy.

Ví dụ: một trong những người phát trực tiếp (livetream) hàng đầu trên nền tảng truyền thông xã hội Douyin của Trung Quốc là Li Jiaqi, đã quảng cáo làm sáng da cho 44,8 triệu người dõi theo. Còn một streamer nổi tiếng khác - Luo Wangyu đã khuyên 19,4 triệu người dõi theo của mình rằng "để có được làn da trắng sáng hơn, bạn cần vừa làm trắng da, vừa loại bỏ màu da vàng”.

Một người Nigeria có tầm ảnh hưởng là Okuneye Idris Olanrewaju, được biết đến với cái tên Bobrisky, đã quảng bá lối sống đáng mơ ước bằng cách sử dụng một thương hiệu mỹ phẩm làm sáng da cho 4,5 triệu người dõi theo trên Instagram và 1 triệu người dõi theo trên Snapchat.

Trở lại năm 2018, ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ Blac Chyna, người có hơn 16 triệu người theo dõi trên Instagram, đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi cô thông báo rằng cô đang hợp tác với thương hiệu Whitenicious để tung ra một loại kem làm sáng da. Mặc dù bài đăng sau đó đã bị xóa, cô vẫn duy trì quan hệ đối tác với công ty và bộ sưu tập Whitenicious x Blac Chyna ra đời, với một loạt các sản phẩm "làm sáng", trong khi công ty tha hồ quảng bá sản phẩm làm sáng da trên tài khoản Instagram của mình.

Người sáng lập Whitenicious, ca sĩ Dencia, trước đây đã bảo vệ các sản phẩm của mình, nói rằng Whitenicious không chứa các thành phần tẩy trắng có hại như thủy ngân, hydroquinone hoặc steroid – từng được tìm thấy trong nhiều sản phẩm làm sáng da khác.

Không ai trong số những người có tầm ảnh hưởng hoặc thương hiệu nêu trên đã trả lời các câu hỏi của CNN.

-9628-1660104300.jpg

Một bài đăng từ Instagram quảng cáo quy trình làm trắng da. CNN đã che khuất một phần hình ảnh này để bảo vệ quyền riêng tư của các bên không liên quan - Ảnh CNN chụp màn hình Instagram

Thị trường: Dễ thiết lập, khó kiểm soát

Các chuyên gia cảnh báo rằng các nhà cung cấp nhỏ lẻ không có gì chứng minh để bảo đảm các sản phẩm họ đang bán trên mạng xã hội là an toàn. Thật đơn giản để thiết lập một cửa hàng trên Facebook hoặc Instagram, khi chỉ cần đăng danh sách sản phẩm lên Marketplace hoặc chỉ cần yêu cầu người dùng quan tâm gửi tin nhắn.

Nhiều sản phẩm được quảng cáo là chất làm trắng và làm sáng da có chứa thủy ngân, hydroquinone hoặc corticosteroid, những thành phần độc hại, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của con người. Thử tìm kiếm nhanh trên Facebook, Instagram, TikTok và YouTube cho thấy một số bài đăng và đôi khi là toàn bộ các trang kinh doanh, bán hoặc quảng cáo việc sử dụng các sản phẩm làm sáng da đã được các nhà nghiên cứu của Sở Y tế Minnesota tại Mỹ hoặc Zero Mercury Working (ZMWG, tạm dịch "Nói không với thủy ngân" là một liên minh của hơn 110 tổ chức phi chính phủ về môi trường và sức khỏe có lợi ích công cộng (NGO) được  Cục Môi trường Châu Âu và Dự án Chính sách Thủy ngân thành lập năm 2005) dán nhãn cảnh báo "Sản phẩm có chứa hàm lượng thủy ngân cao”.

Thủy ngân có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, bao gồm cả tổn thương thần kinh và tim mạch.

CNN đã chia sẻ vài mẫu bài đăng này với các nền tảng truyền thông xã hội để họ xem xét.

YouTube và TikTok cho biết họ không vi phạm các nguyên tắc cộng đồng, mặc dù TikTok đã xóa bài đăng khi CNN đưa ra các câu hỏi về các quy định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về thành phần thủy ngân trong mỹ phẩm. Người phát ngôn của TikTok sau đó cho biết công ty đang làm việc để phát hiện tốt hơn nội dung không lành mạnh này, bao gồm cả việc hợp tác với các chuyên gia bên ngoài để xác định các sản phẩm không an toàn, nhưng các video khác quảng cáo các sản phẩm chứa thủy ngân vẫn còn trên nền tảng TikTok.

Meta - công ty mẹ của Facebook và Instagram, không bình luận về các bài đăng mà CNN chia sẻ, nhưng cho biết họ đã dành "nguồn lực đáng kể" để bảo đảm rằng các mặt hàng không an toàn hoặc bất hợp pháp không được bán trên nền tảng của họ.

-4258-1660104300.jpg

Những sản phẩm làm trắng da hầu hết đều bao gồm: Steroid là chất kháng viêm có tác dụng cấp thời; Hydroquinone có tác dụng tẩy trắng da và dùng để điều trị tăng sắc tố; Mercury là thủy ngân có tác dụng ngăn các sắc tố phát triển, khiến da trắng sáng hơn - Ảnh: CNN

Và không ai phải chịu trách nhiệm?

Benson - BS da liễu ở Nigeria đặc biệt chú ý đến số lượng các sản phẩm làm sáng da tự chế mà bà thấy bày bán trên các nền tảng này.

Bà lo ngại: "Các nhà cung cấp sản phẩm chăm sóc da ... không cần cửa hàng. Họ cũng không cần sự chấp thuận của FDA hoặc đăng ký với NAFDAC" (NAFDAC là  Cơ quan Quản lý và Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Nigeria). Một cách giận dữ, bà mô tả: "Họ thậm chí không cần viết thành phần của loại kem trên chai. Họ chỉ nói với những người dõi theo trang của họ rằng đó là một công thức 'gia truyền'".

Benson giải thích rằng đã tiếp những bệnh nhân đến nói rằng họ đã sử dụng các loại kem tẩy trắng "hoàn toàn tự nhiên" nhưng trên mặt và cơ thể lại có nhiều vết rạn da – một dấu hiệu chứng tỏ họ đã sử dụng steroid quá liều.

“Có sự dối trá ở đây” - Benson nhận định. Sự lo ngại của bà là những người bán hàng đang quảng cáo quá lố và họ dường như không phải chịu trách nhiệm về bất kỳ điều gì. Khi bệnh nhân của bà phàn nàn, các nhà cung cấp sản phẩm sẽ block họ. Steroid - một chất kháng viêm có tác dụng cấp thời, có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ, bao gồm phát ban và rạn da, khi sử dụng trong thời gian dài và không có sự giám sát y tế.

Một bác sĩ da liễu khác, Tiến sĩ Adeline Kikam - có văn phòng làm việc tại Texas (Hoa Kỳ), cũng bày tỏ lo ngại tương tự như Benson. Trao đổi với CNN, bà nói: "Trên mạng xã hội, tôi thấy mỗi ngày nhiều người đang tự pha chế một loại sản phẩm của riêng họ". Bà thừa nhận rằng đây là một thách thức cho sự giám sát và điều chỉnh nội dung của các công ty sáng lập mạng xã hội. Bà nhận xét: "Thật khó kiểm soát khi có quá nhiều nhà cung cấp đang quảng bá sản phẩm làm sáng da trên mạng xã hội có phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà sáng lập ra nền tảng thực sự cần phải gạn lọc những tuyên bố gây hiểu lầm về tác dụng của sản phẩm làm sáng da".

Từ Kenya, Christine Wanjiku Mwangi  - người bán các sản phẩm làm trắng da dưới tài khoản Shix Beauty trên YouTube và Shixglow Skincare trên Instagram, ban đầu đã mua các sản phẩm làm đẹp trị mụn qua Facebook và thấy loại này cũng có tác dụng làm màu da của cô ấy sáng hơn. 

Hạnh phúc với kết quả đạt được, cô bắt đầu xây dựng thương hiệu chăm sóc da của riêng mình trên các nền tảng truyền thông xã hội. Cô bộc lộ với CNN: "90% khách hàng tìm thấy tôi thông qua YouTube hoặc Instagram, nhưng chủ yếu là Instagram" và nói thêm rằng đang có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh sang TikTok.

Mwangi khẳng định với CNN rằng các sản phẩm của mình an toàn, hiệu quả. Cô nói về những người bán hàng trực tuyến "không hợp pháp": “Đó là những kẻ lừa dối mọi người bằng cách đăng những bức ảnh giả mạo trước và sau khi sử dụng, giả mạo những lời bình luận tốt đẹp... đã lấy tiền của mọi người và bán cho họ những sản phẩm không hiệu quả".

Mwangi cho biết cô ấy sử dụng các thành phần như alpha arbutin, glutathione, axit kojic và niacinamide trong các sản phẩm làm sáng da của mình, đồng thời cô ấy cung cấp danh sách thành phần và hướng dẫn sử dụng đã đăng trên trang web và trang "Câu hỏi thường gặp", kể cả thông tin liên hệ.

Cô ấy không trả lời CNN khi được hỏi sản phẩm mà cô bán đã có được chứng nhận của Cục Tiêu chuẩn Kenya (The Kenya Bureau of Standards - KEBS) chưa, cũng như không cung cấp thông tin chi tiết về cách kiểm tra các thành phần trong sản phẩm của cô ấy. 

-1589-1660104300.jpg

Ước mơ có làn da trắng sáng hơn của hàng triệu - triệu phụ nữ da màu, trong đó có phụ nữ Việt, đã tạo ra nền công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm làm sáng da với những sự thật bị che giấu - Ảnh: CNN 

Các chuyên gia đã làm rõ rằng việc các công ty công nghệ phải thực thi chính sách đạo đức là rất cần thiết, cũng như phải có các biện pháp bảo vệ hiệu quả cho người dùng trẻ tuổi bằng cách giám sát cẩn thận danh sách sản phẩm và minh bạch hơn về cách kiểm duyệt nội dung do người dùng tạo và có trả phí. Họ cũng tin rằng các công ty công nghệ cần phải có trách nhiệm hơn khi các sản phẩm được bán trên các nền tảng này gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hàng triệu lượt tương tác

CNN đã xác định và phân tích hàng ngàn bài đăng trên mạng xã hội mang hashtag như #skinwhitening, #skinlightening, #skinwhiteningtreatment và #whiteningcream.

Dữ liệu từ CrowdTangle - một công cụ thông tin chi tiết do Meta sở hữu và vận hành, cho thấy gần 80.000 bài đăng đã được tạo trên các trang Facebook và các nhóm công khai từ ngày 31/5/2021 - 31/5/2022, nhận được hơn 2 triệu tương tác xã hội (nhận xét, chia sẻ và phản ứng). Trên Instagram, ít nhất 20.900 bài đăng thảo luận về việc sử dụng các sản phẩm làm trắng da trong cùng khoảng thời gian nhận được gần 6,5 triệu lượt tương tác.

Cần lưu ý là phạm vi tiếp cận của Meta và CrowdTangle chỉ là những nội dung công khai. Những bài đăng trong các nhóm kín hoặc các hồ sơ cá nhân không hiển thị, vì thế những con số này chỉ phản ánh một phần của thực tế thị trường sản phẩm làm trắng da.

Anh Mi