Bất ổn toàn cầu và chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 15/08/2022
Chiến lược thích ứng của DN Việt Nam
Hơn hai năm qua, hoạt động của DN đã trải qua những khó khăn chưa từng có, những DN không phải giải thể hay phá sản thật đáng khâm phục bởi khả năng thích ứng, tiềm lực tài chính, tư duy đổi mới. Tuy nhiên, khi những bất ổn toàn cầu đang xảy ra, các cú sốc ngoại sinh như dịch bệnh, xung đột chính trị có thể tiếp diễn thì càng đòi hỏi năng lực ứng phó cũng như sự thay đổi của DN, đặc biệt là tại nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lần lượt 6,5% và 6,7% năm 2022 và 2023. Con số này với Ngân hàng Thế giới (WB) là 5,3% trong năm 2022 và sẽ quay về mức ổn định 6,5% ở những năm sau đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
Chúng ta có niềm tin vào những con số dự báo nêu trên khi mà ngay từ đầu năm, gói giải pháp tài khóa và tiền tệ khoảng 15 tỷ USD để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đã được Quốc hội phê chuẩn. Chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như miễn, giảm thuế, y tế, xây dựng và phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, hỗ trợ lãi suất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù vậy, đà tăng trưởng khi dịch Covid-19 đã được khống chế lại gặp ngã rẽ khi bất ổn địa - chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang. Các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Đây là nguyên nhân khiến cho giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, vận tải tăng cao, trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm trên thị trường, gây ra lạm phát (do chi phí đẩy).
Cùng với đó, việc siết tín dụng và tăng dần lãi suất cũng được thực hiện để tránh tình trạng nền kinh tế tăng trưởng quá đà dẫn đến mất kiểm soát, khi mà dấu hiệu của lạm phát đang dần hiện hữu.
Gợi ý chiến lược thích ứng
Về chính sách, lạm phát tại Việt Nam được dự báo tăng lên mức 3,8% trong năm nay và đúng mức mục tiêu là 4% trong năm 2023, nghĩa là dư địa trong mức chịu đựng đã đạt tới ngưỡng giới hạn. Cùng với đó, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc phần nào khiến quốc gia này giảm nhịp tăng trưởng, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến nợ xấu cũng là một rủi ro cần phải xét đến, đặc biệt là trong trung hạn khi mà tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của Việt Nam là khoảng 8,2%. Cuối cùng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có thật sự hiệu quả và hỗ trợ đúng đối tượng hay không còn phụ thuộc vào cách mà chính sách được triển khai nhanh hay chậm, các thủ tục và quy trình phải tối giản và cần sự đồng bộ của Trung ương lẫn địa phương. Như vậy, với tầm nhìn dài hạn, một số gợi ý chính sách để kiến tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:
- Cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, ổn định, kịp thời của các giải pháp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
- Các giải pháp về tài chính, tín dụng để hỗ trợ DN cần kịp thời và đúng đối tượng.
- Các gói hỗ trợ phải triển khai nhanh chóng, trực diện và rút ngắn quy trình.
- Ban hành các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động ở các địa phương quay trở lại làm việc ở các khu công nghiệp và thành phố.
- Đổi mới cơ chế, chính sách để vừa khuyến khích vừa buộc DN phải có tư duy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy và hỗ trợ DN số hóa.
- Thí điểm hình thức "sandbox" (mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định) đối với các lĩnh vực như Fintech, nhằm giúp cơ quan quản lý nắm rõ cách thức vận hành và rủi ro có thể gặp phải.
- Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, có thể làm chủ và vận dụng sáng tạo tri thức khoa học, công nghệ mới vào nền kinh tế và cụ thể hơn là cho DN Việt Nam. Đẩy mạnh đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật.
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới, từ hoạch định chiến lược đến thực hành trong thực tiễn.
- Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm hướng đến phát triển kinh tế bền vững dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ở góc độ doanh nghiệp. Việc thiết kế, xây dựng chiến lược chung cho tất cả DN có lẽ rất khó bởi vì sự khác biệt trong ngành nghề, mô hình và tư duy quản trị. Tuy nhiên, để định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới thì một số gợi ý sau đây sẽ mang tính khả thi:
- Kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản.
- Tinh gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả.
- Tận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giãn, hoãn thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, tái cấu trúc khoản vay.
- Áp dụng số hóa và đổi mới sáng tạo trong thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý...
- Đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, nâng cao tính chủ động và linh hoạt.
- Theo dõi tình hình chung của thế giới và dịch bệnh, đồng thời nắm bắt các chính sách của Chính phủ để xây dựng kịch bản thích nghi, ứng phó phù hợp.
- Tìm kiếm và mở rộng các kênh đầu tư và kênh huy động vốn.
- Thay đổi kế hoạch trước đây để thích nghi với bối cảnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bền vững.
DN sẽ dựa vào xu hướng phát triển theo mỗi thời điểm để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Để thích ứng trước những hoàn cảnh bất lợi, DN cần xây dựng kịch bản ứng phó với trường hợp bất lợi. Kiểm soát tốt sự gia tăng các chi phí do ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Cần sức bật mạnh mẽ, đồng bộ, có sức lan tỏa giữa Chính phủ và DN. Khi đó, Chính phủ và DN cần đảm bảo tính chủ động, đưa ra những chiến lược, chính sách kịp thời, có tính đón đầu trước xu hướng. Đồng thời, phải có mối tương tác lẫn nhau, DN phải sẵn sàng và Chính phủ cũng cho thấy vai trò kiến tạo, giám sát.