Lịch sử vốn rất đa dạng, đâu chỉ có chính trị, quân sự

Đào tạo - Ngày đăng : 01:00, 15/08/2022

Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học là quyết định đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo ấn định, sau rất nhiều tranh luận xã hội về việc có nên coi đây là môn học tự chọn hay không.
Lịch sử vốn rất đa dạng, đâu chỉ có chính trị, quân sự

Dân ca quan họ Bắc Ninh - một trong 11 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận

Theo Ths. Dương Thành Thông - Phó trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đó là sự thành công bước đầu trong việc xác định vị thế của học lịch sử nói chung và việc học lịch sử ở bậc phổ thông nói riêng trong hệ giáo dục trung học. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dù có bắt buộc thì trong tâm thức người học, lịch sử đã là môn tự chọn. Ông nói:

- Tôi nghĩ, tự chọn hay bắt buộc chỉ là biện pháp mang tính hình thức. Nó chỉ là một trong số nhiều thao tác, biện pháp mang tính chất hành chính để đạt được mục tiêu hướng đến hiệu quả của việc truyền dạy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Kèm theo đó, mục tiêu lớn hơn là chúng ta phải thay đổi phương pháp, cách thức giảng dạy môn lịch sử không chỉ ở bậc phổ thông mà cả ở bậc khác, để làm sao họ nhận thức được sự quan trọng của môn lịch sử, cảm thấy lịch sử hay và cần thiết, chứ không phải là bắt học sinh ngồi học bằng một yêu cầu hành chính.  

* Ông đánh giá như thế nào về thực trạng học môn lịch sử của học sinh, sinh viên hiện nay?

- Thông qua việc giảng dạy trên lớp và tiếp xúc với các em học sinh trung học phổ thông, tôi nghĩ không phải giới trẻ nói chung thờ ơ với lịch sử dân tộc mà các em vẫn có lòng đam mê đối với lịch sử. Vấn đề là học sinh có xu hướng quan tâm nhiều hơn các hoạt động mang tính cụ thể, còn hoạt động tổng thể thì không đạt được hiệu quả do phần lớn việc giảng dạy và truyền đạt thông tin đến cho học sinh, sinh viên còn mang tính giáo điều, rập khuôn, khô cứng và không thu hút được người nghe. Đó là thực trạng của giáo dục lịch sử nói riêng và lịch sử văn hóa xã hội của Việt Nam nói chung. 

14-8-22-Thay-Thong-DHKHXH-NV.jpg

Ths. Dương Thành Thông - Phó trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

* Ông có thể nói cụ thể hơn về thực trạng đó…

- Chúng ta hay ca ngợi tinh thần văn minh dân tộc để nghĩ rằng điều đó truyền đạt tinh thần yêu nước. Nhưng có lúc, nó mang ý nghĩa ngược, vì không phải lúc nào dân tộc chúng ta cũng chiến thắng. Có lúc dân tộc Việt Nam cũng phải trải qua những giai đoạn mờ mịt và tăm tối. Cho nên, sau khi bắt học sinh ngồi học, chúng ta phải làm sao để dạy cho họ cái mà họ cần và muốn nghe, cái họ quan tâm, giúp họ nuôi dưỡng cảm xúc và cảm thấy như đang sống trong thời kỳ lịch sử đã diễn ra.

Thầy cô bậc phổ thông hiểu rằng học trò cần cái gì và hơn ai hết họ là những người ý thức làm sao để đổi mới phương pháp giảng dạy, nhưng vướng ở chỗ môn lịch sử chỉ có 45 phút mỗi tiết. Giáo viên bị gò bó trong khuôn khổ nội dung kiến thức quá lớn, họ phải kiểm tra bài cũ, yêu cầu học sinh học và ôn đúng nội dung trong sách giáo khoa (SGK) vì học sinh phải thi, nếu không truyền tải thông tin trong SGK thì đi thi sẽ rớt. Thành ra giáo viên dù có ý tưởng, có phương pháp mới nhưng không có điều kiện để thực hiện.

Tôi từng dạy ở một trường phổ thông. Mặc dù đã cố gắng truyền đạt kiến thức SGK thật nhanh và trong quá trình đó, có kể những câu chuyện nằm ngoài sách, nhưng vẫn không thể kịp thời gian. Đó là ở trường quốc tế nên người ta chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để học trò hứng thú, còn chuyện dạy bảo đảm dung lượng hay không thì có thể linh hoạt. Ở các trường công lập thì khác, học trò sẽ không tiếp thu hết kiến thức vì hết giờ là nghỉ, giáo viên sẽ chịu trách nhiệm về nội dung không truyền tải được.

* Vậy theo ông, giải pháp nào để khắc phục những điều đó, để việc dạy và học lịch sử hiệu quả?

- Theo tôi thì những chi tiết trong chương trình học như trận này diễn ra bao nhiêu việc, diệt được bao nhiêu địch… quá chi tiết và thực sự không cần thiết, học trò có nhớ sự kiện đó cũng không để làm gì. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, người ta có thể tìm thấy thông tin một cách đơn giản, dễ dàng, không cần phải học thuộc lòng.

Hiện tại, SGK đang thay đổi và đã có những bộ sách hướng tới việc trang bị cho người học kiến thức mang tính chất nền tảng. Trong đó, người học phải tự khám phá điều mà họ quan tâm. Đồng thời, theo tôi phải giảm tải nội dung lịch sử, tăng cường kiến thức văn hóa, xã hội chứ không phải chỉ có chiến tranh. Cụ thể, tôi nghĩ phải cải cách toàn diện và đồng bộ với nhau, chẳng hạn như cùng lúc giảm tải dung lượng, cải cách phương pháp, gắn những câu chuyện lịch sử với những vấn đề, sự kiện, di tích lịch sử để học sinh có thể hiểu và nhớ thông qua một hiện vật có thể sờ nắm, có thể nhìn thấy thì các em mới hứng thú.

Ngoài ra, những số liệu vô hồn, kiểu như tăng trưởng kinh tế 5,7%, cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp như thế nào, thành tựu phát triển ra sao... không có ý nghĩa nâng cao được tinh thần yêu nước. Lịch sử vốn rất đa dạng, nhưng trong chương trình SGK phổ thông hiện chỉ là lịch sử chính trị, quân sự, còn diện mạo của lịch sử văn hóa dân tộc, lịch sử kinh tế, lịch sử văn hóa, lịch sử xã hội hầu như không có, mà đây mới là những vấn đề dễ chạm đến cảm xúc của người tiếp nhận, tạo hứng thú và niềm say mê cho người học, người nghiên cứu.

Tỉnh Châu – Trần Thị Thanh