Doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nên tập trung vào kênh vận tải đường sắt

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:00, 16/08/2022

Đó là lời khuyên của bà Đặng Thị Thanh Phương - Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) với các doanh nghiệp (DN) xuất hàng qua Trung Quốc vì đây là kênh tốt nhất trong điều kiện Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid-19”.
Doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nên tập trung vào kênh vận tải đường sắt

Theo bà Phương, chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc hạn chế hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu kiểm tra virus SARS CoV-2 tất cả các lô hàng trong container lạnh, đề nghị các nước tuân thủ cẩm nang hướng dẫn Covid-19 và an toàn thực phẩm. 

Chính sách này ảnh hưởng rất lớn đến các DN xuất khẩu thực phẩm và có nguy cơ khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Do đó, thời gian qua Bộ Công Thương khuyến nghị DN liên tục cập nhật những quy định mới, thông tin về cửa khẩu, nắm vững chính sách thuế quan… Bộ cũng khuyến nghị DN tăng cường sử dụng mạng lưới vận tải đường sắt để giảm thiểu rủi ro. 

Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt Việt Nam - Trung Quốc đang được kết nối qua hai tuyến chính Đồng Đăng - Bằng Tường, Lào Cai - Hà Khẩu và tuyến đường sắt quá cảnh qua Trung Quốc để đến các nước thứ ba như Nga, Mông Cổ, Kazakhstan. Trong thời điểm Covid-19 căng thẳng nhất ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, nhiều cửa khẩu bị đóng thì mạng lưới vận tải đường sắt vẫn hoạt động tốt và việc thông quan bình thường. Thuận lợi là vậy nhưng các DN Việt Nam mới chỉ đang sử dụng 50% năng lực của vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

“Đối với hàng nông sản, hiện Trung Quốc mới cho phép nhập hàng qua cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng - Bằng Tường, còn cửa khẩu đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu chưa mở. Hy vọng, thời gian tới Trung Quốc sẽ mở thêm cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu để con đường xuất khẩu nông sản Việt Nam không bị nghẽn hàng khi vào vụ mùa cao điểm”, bà Thanh Phương cho biết. 

-9466-1660533291.jpg

Theo bà Phương, từ năm 2014 Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 164,46 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 55,92 tỷ USD, chiếm 12,7%. 

Hiện Trung Quốc đang cung cấp 41% nguyên phụ liệu dệt may, da giày cho Việt Nam, 64% nguyên phụ liệu dược phẩm… Kim ngạch nhập khẩu vải các loại từ Trung Quốc của Việt Nam đạt 9,09 tỷ USD, chiếm 63% nhập khẩu của Việt Nam. 

Tăng cường thương mại giữa hai nước, nhiều triển lãm, hội chợ đã được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Vào cuối tháng 8 này, China Homelife - một thương hiệu triển lãm 20 năm tuổi tổ chức tại 14 quốc gia trên thế giới sẽ có mặt tại Việt Nam. Bà Phương cho rằng, tham gia triển lãm lần này, các DN có cơ hội kết nối kịp thời với thị trường cung ứng nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị… từ Trung Quốc, giúp nguồn cung không bị gián đoạn.

China Homelife - triển lãm thương mại chuyên ngành toàn cầu dành cho các sản phẩm Trung Quốc sẽ diễn ra tại SECC (799 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7) từ ngày 29-31/8/2022, với sự tham gia của 170 nhà sản xuất, cung ứng hàng gia dụng, điện tử tiêu dùng, dệt may, vật liệu xây dựng - nội thất của Trung Quốc lần đầu tiên tham gia.

H.Ng