Sở Giao thông Vận tải TP.HCM kiến nghị về việc thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường
Trong nước - Ngày đăng : 04:40, 17/08/2022
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở GTVT cho rằng việc thu phí tạm thời ô tô đỗ dưới lòng đường được Thành phố giao cho TNXP thực hiện theo Quyết định số 4472 của UBND Thành phố, cũng như công ty này tự chịu trách nhiệm về áp dụng công nghệ, phương pháp thu theo Quyết định số 4409 của UBND TP.HCM. Qua thời gian triển khai, Sở GTVT thấy việc thu phí chưa hiệu quả, chưa phản ánh đúng thực tế nên chưa có đủ cơ sở để xây dựng tiêu chí chọn đấu thầu đơn vị thu phí.
Trong khi đó, theo TNXP, hiện nay ứng dụng My parking hoạt động chưa ổn định, xảy ra nhiều lỗi, chưa nâng cấp thường xuyên; Công ty đã nhiều lần chủ động mời Viettel TP.HCM - chi nhánh Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội để làm việc, xử lý các lỗi của ứng dụng My parking nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi, liên hệ làm việc…
Theo yêu cầu của Sở GTVT TP.HCM, TNXP đã xây dựng phương án phối hợp xử lý các xe vi phạm tại hiện trường, nhưng các đơn vị liên quan còn chậm ký phương án. Đến nay, phương án chưa hoàn thành để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, TNXP cho biết nhân viên của công ty không có thẩm quyền xử phạt, hay các biện pháp chế tài xử lý các lỗi vi phạm, dẫn đến tình trạng cãi cọ, đôi co giữa nhân viên với tài xế, với các doanh nghiệp chiếm mặt tiền lòng đường để kinh doanh, hay với những người dân lâu năm thu phí ô tô trên khu vực…
“Xuất phát từ các tồn đọng, hạn chế trên, TNXP thực hiện công tác thu phí ô tô sẽ không đúng quy chế của UBND TP ban hành. Do đó, công ty sẽ tạm ngưng thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô kể từ ngày 15/8/2022”, theo nội dung văn bản của TNXP.
Do đó nhằm thực hiện đúng các Nghị quyết của HĐND TP.HCM cũng như chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo TNXP tổ chức kiểm điểm các tồn tại trong thời gian qua, điều chỉnh bộ máy nhân sự, đẩy nhanh tiến độ ký kết phương án phối hợp xử lý vi phạm tại hiện trường để công ty này tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Song song đó, Thành phố hỗ trợ để đơn vị này có các giải pháp tăng cường giám sát và thực hiện đúng nhiệm vụ, kế hoạch và quy chế ban hành của UBND TP.HCM. Qua đó xác định các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo chủ tịch UBND các Quận 1, Quận 5 và Quận 10 chịu trách nhiệm trong việc cử lực lượng, nhân sự phối hợp, xử lý vi phạm hạnh chính. Cùng với đó, nhanh chóng ký phương án phối hợp xử lý vi phạm tại hiện trường, tăng cường tuyên truyền thực hiện nghiêm túc quy chế của Thành phố.
Từ những thực tế, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cũng đã ký văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất thực hiện lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố. Dự án nhằm kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào trung tâm TP.HCM nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội...
Sở GTVT chi biết, đã nhiều lần đề xuất lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố nhưng đến nay, đề xuất này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận từ UBMTTQ TPHCM, các chuyên gia và dư luận. Chủ trương thu phí ô tô vào trung tâm được chính quyền TP.HCM chấp thuận giao Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (IDT) nghiên cứu từ năm 2009. Sau thời gian chuẩn bị, năm 2011, IDT hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi. Doanh nghiệp này đề xuất đầu tư 36 cổng thu phí đa làn không dừng trên vành đai khép kín bao quanh Quận 1, Quận 3 và vùng giáp ranh Quận 5, Quận 10 và một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.
Trong đề xuất mới nhất, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc nghiên cứu triển khai dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết. Các tuyến đường khu trung tâm thành phố đã quá tải, trong khi lượng xe cá nhân liên tục tăng, đặc biệt là ô tô. Theo Sở GTVT, sau khi rà soát, đánh giá, nhiều vấn đề lớn đã thay đổi, trong đó, những yếu tố quan trọng nhất là tính pháp lý và công nghệ hiện đã cơ bản được giải quyết nên Sở đề xuất lại.
Cũng theo Sở GTVT, việc thu phí ô tô sẽ đi kèm việc tổ chức lại giao thông ở khu vực trung tâm, các khu phố đi bộ, loại hình giao thông mới... “Những vấn đề như bãi xe xây dựng ở đâu, những tuyến buýt kết nối, đối tượng miễn giảm… đều phải được nghiên cứu tổng thể, đi kèm với các giải pháp hỗ trợ. Mục tiêu không phải là trong thoáng ngoài kẹt mà sẽ đồng bộ rất nhiều yếu tố”, Sở GTVT cho biết.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), đề xuất thu phí nói trên nếu áp dụng có thể gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch HUBA, tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính quan trọng của thành phố, nơi tổ chức các hoạt động giao dịch, kinh doanh thương mại đều tập trung tại khu vực trung tâm thành phố. “Nếu đã tổ chức như vậy thì bây giờ tại sao lại hạn chế người dân đi vào trung tâm để giao dịch, kinh doanh? Phải chăng chúng ta đã quy hoạch sai? Tôi lấy ví dụ, nếu một cơ quan chức năng được bố trí ở khu vực bên ngoài thì người ta cũng không có lý do mà đi vào khu trung tâm”, ông Hưng quan tâm.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc thu phí ô tô vào trung tâm có thể đẩy chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp tăng cao. Do đó, TP.HCM cần phải tính toán các giải pháp khác trước khi tính đến việc triển khai dự án này. “Đây là vấn đề về quy hoạch. Cần phải đưa các trung tâm, dịch vụ thương mại ra ngoài trung tâm thành phố. Nhà nước có thể khuyến khích doanh nghiệp di chuyển ra ngoài trung tâm bằng cách giảm thuế. Bên cạnh đó, có thể tính đến việc tăng phí giữ xe ở trung tâm vì cũng sẽ góp phần kéo giảm phương tiện. Cuối cùng là TP.HCM cần tổ chức tốt mạng lưới giao thông công cộng để người dân thuận tiện di chuyển mà không dùng đến phương tiện cá nhân”, ông Sơn góp ý.
Còn theo TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế, nhận định: “Doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước, mà doanh nghiệp dựa vào nguồn thu để đóng thuế. Nếu như việc phải trả phí như thế này thì nguồn thu của doanh nghiệp sẽ bị hạn chế”.