TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho tăng số lượng công chức

Trong nước - Ngày đăng : 05:12, 18/08/2022

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội trong việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố.
TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho tăng số lượng công chức

Theo UBND TP.HCM, hiện nay, trung bình mỗi cán bộ, công chức phường tại Thành phố đang phục vụ hơn 1.340 người. Trong đó, phường đông dân nhất thành phố là Bình Hưng Hoà A (quận Bình Tân) với hơn 123.000 người, bình quân mỗi cán bộ, công chức giải quyết 270 hồ sơ mỗi tháng.

Tính đến ngày 31/12/2021, TP.HCM có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên. Trong đó, 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân; 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân; 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân. Cá biệt, có 3 phường với dân số trên 100.000 dân là phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức), phường Hiệp Thành (Q.12) và phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân).

Còn về tỷ lệ tăng dân số cơ học của Thành phố, giai đoạn 2009-2019 đến 24,8%, nên khối lượng công việc tăng rất nhanh. Trong 10 năm từ 2009 - 2019, mật độ dân số thành phố tăng 24,8%. Tính đến 31/12/2021, tổng dân số cùa thành phố thủ Đức và 16 quận là 7.066.180 người, chiếm tỷ lệ 77,08%/trên dân số toàn thành phố là 9.166.840 dân.

Từ thực tế đang diễn ra, TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ, đối với phường có dân số dưới 30.000 người là 17 công chức; phường 30.000 dân trở lên, cứ 15.000 dân thêm 1 công chức. Cụ thể, thay vì mỗi phường có 15 biên chế như quy định, thành phố đề xuất tăng biên chế theo số lượng dân cư. Cụ thể: Phường từ 30.000 dân biên chế 17 công chức; phường có 45.000 dân biên chế 18 công chức; từ 60.000 dân là 19 công chức; 75.000 dân là 20 công chức; 90.000 dân 21 công chức; 105.000 dân là 22 công chức và 120.000 dân là 23 công chức.

Ngoài ra, TP.HCM đề xuất Chính phủ phân quyền cho UBND trình HĐND cùng cấp quyết định số người hoạt động không chuyên trách cấp phường, tổ dân phố để giúp giải quyết tình trạng quá tải ở những địa bàn đông dân.

Trước đó, ngày 23/6, làm việc với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phê bình chính quyền TP.HCM về vấn đề dôi dư số biên chế công chức. 

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, tổng biên chế công chức Trung ương giao TP.HCM là 10.869 người, nhưng thực tế con số mà HĐND thành phố duyệt là 14.470 người, cao hơn 3.601 người. Tương tự, số biên chế viên chức mà HĐND Thành phố giao là 99.985 người, cao hơn 2.104 người so với con số Trung ương giao. Nhưng ông Nhân nhiều lần khẳng định con số này "không dư" mà đều đang làm việc tại các sở ngành và các địa phương. Phát sinh dân số cơ học khiến số bệnh viện, trường học tăng hàng năm dẫn đến TP.HCM tăng nhân sự. Từ thực tế đó, Thành phố đề xuất Trung ương công nhận số biên chế công chức mà HĐND đã duyệt.

Lý giải thêm về số lượng cán bộ “dôi dư”, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có, chẳng hạn như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi quận huyện khoảng 50 người thì 22 địa phương đã thêm gần 1.000 người; hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước.

Số lượng biên chế công chức, viên chức các tỉnh thành thường dựa vào quy mô diện tích, dân số, khối lượng công việc. Hàng năm, số lượng biên chế công chức được trình lên để Thủ tướng phê duyệt. Năm 2022, tổng số biên chế công chức cả nước hơn 256.000. Hà Nội và TP.HCM có nhiều biên chế công chức nhất.

T.N