Bộ Quốc phòng nhất trí đặt Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM
Trong nước - Ngày đăng : 01:00, 18/08/2022
Theo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng TTTC quốc tế tại TP.HCM sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế vào Việt Nam; mở rộng hoạt động cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm Việt Nam ra ngoài khu vực; nâng cao vị thế của TP.HCM và Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ Quốc phòng cho rằng, việc xây dựng TTTC sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. Nhưng, dự báo sẽ tiềm ẩn rủi ro nhất định, đặc biệt là các rủi ro về mất an ninh tài chính - tiền tệ (nạn rửa tiền, tội phạm tài chính, giao dịch tiền bất hợp pháp có liên quan dén các hoạt động tham nhũng, tài trợ khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí...). Vì vậy, theo Bộ Quốc phòng việc xây dựng Đề án cần được có các phân tích cụ thể hơn về các rủi ro có thể xảy ra và xây dựng biện pháp xử lý, phòng tránh giảm thiểu các rủi ro.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn thiếu nhiều yếu tố như: cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao về tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin,... để có thể cạnh tranh trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Đồng thời, các tổ chức tài chính quốc tế chưa hiện diện nhiều tại Việt Nam và có xu hướng chủ yếu phục vụ cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thậm chí đã có một số ngân hàng nước ngoài rút chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam do hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, hiện chưa có đủ cơ sở để khẳng định TTTC TP.HCM có thể cạnh tranh với các TTTC khác như: Singapore, Hồng Kông, Jakarta, Manila, Kuala Lumpur, Bangkok…
“Do vậy, cần có phương án, giải pháp đồng bộ, có lộ trình triển khai cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các TTTC khác trong khu vực và quốc tế; có thể nghiên cứu xây dựng lộ trình TTTC phân chia thành các giai đoạn phù hợp, từ thấp đến cao (TTTC quốc gia, TTTC khu vực, TTTC quốc tế và toàn cầu)”, Bộ Quốc phòng nêu.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, việc đề xuất quan điểm phát triển TTTC TP.HCM dưới hình thức “không gian mềm” (mô hình không có giới hạn về mặt địa lý tương tự một đặc khu như Hồng Kông, Trung Quốc hoặc một trung tâm thương mại như Marina Bay Sands, Singapore hoặc một quốc đảo như Cayman...) cần được cân nhắc, phân tích đầy đủ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp triển khai phù hợp.
Qua những nhìn nhận đánh giá chủ quan lẫn khách quan, và dự báo xu thế, Bộ Quốc đã nhấn mạnh, việc đề xuất xây dựng hành lang pháp lý phải cần được phân tích cụ thể, xem xét cẩn thận trên cơ sở nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết và trước hết, đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng như an toàn chủ quyền quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh thêm, việc thử nghiệm chính sách đột phá, vượt trội là cần thiết nhưng không nên chỉ tập trung vào tự do hóa tài chính cũng như gia tăng các ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư nước ngoài, mà có thể nghiên cứu theo hướng tạo ra sự khác biệt để tận dụng các cơ hội, các khoảng trống từ thị trường tài chính quốc tế.