Hợp tác đại học - doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 19/08/2022

Từ thực tế, đại diện các trường đại học (ĐH) đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng của việc hợp tác với doanh nghiệp (DN).
Hợp tác đại học - doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả hai bên

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực.

Ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh) chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ủy ban.

Trong khuôn khổ phiên họp, các ý kiến tập trung cho vào chính sách hỗ trợ kết nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa trường ĐH và DN. Chia sẻ bài học thành công và cả những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, các trường đã đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả của mối quan hệ hợp tác này.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất các nhóm giải pháp về chính sách, nguồn vốn và thúc đẩy hợp tác ĐH - DN.

Theo đó, về chính sách, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác đối tác công tư (PPP) trong giáo dục ĐH. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN hợp tác, tài trợ cho lĩnh vực giáo dục ĐH, như chính sách miễn trừ thuế cho các DN đầu tư tài trợ cho giáo dục. Phát triển mô hình đào tạo luân phiên gồm 3 chủ thể Sinh viên - Nhà trường - DN, luân phiên xen kẽ thời gian đào tạo lý thuyết tại trường ĐH và đào tạo thực tiễn tại nơi làm việc: Luân phiên hàng tuần (2-3 ngày học tại trường và thời gian còn lại tại DN); hoặc luân phiên theo học kỳ (mỗi năm gồm các học kỳ tại trường xen kẽ với ít nhất một học kỳ tại DN).

“Nhìn chung, đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và DN chủ yếu phát huy ở 3 mặt: Định hướng, khuyến khích và hỗ trợ” - ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM nêu ý kiến.

Quan hệ ĐH và DN là cần thiết và mang lại lợi ích cho cả 2 bên, nhưng không làm vẫn không sao - thực trạng này, tồn tại ở cả DN và ĐH. Đưa nhận định này, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường FPT cho rằng, bên cạnh các chính sách khích lệ, động viên, kết nối, thúc đẩy, cần một số yêu cầu mang tính bắt buộc. Đơn cử như với nhà trường, hoạt động hợp tác với DN cần là một tiêu chí trong kiểm định.

Ở góc độ DN, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, đầu tư nguồn lực tài chính cho các nghiên cứu khoa học của trường cần thiết phải có quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp mới. “Chúng tôi đề xuất nhiều lần, nhưng thực hóa cần tiếng nói của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thắng cho hay.

Còn theo ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đề xuất chọn chủ đề gắn kết ĐH và DN trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có sự quan tâm hơn của Chính phủ và các bộ ngành. Chính sách cần được rà soát tổng thể, nội dung nào đã quy định trong Luật nhưng cần hướng dẫn cụ thể, nội dung nào còn đang vướng, nội dung nào còn thiếu cần bổ sung… Với đề xuất về Quỹ đầu tư mạo hiểm, ông Dũng cho rằng nên là Quỹ đào tạo để gắn sát sườn với hệ thống cơ sở giáo dục ĐH.

Ông Nguyễn Mạnh Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Trí Nam nhận định, cơ chế chính sách cho việc hợp tác giữa ĐH và DN đã tương đối đầy đủ, tất nhiên vẫn cần cải tiến thêm cho phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, nhận thức của người triển khai trực tiếp. Từ đó, ông Nguyễn Mạnh Trường đề xuất, cần quan tâm làm sao để tăng cường nhận thức cho đối tượng thực hiện trực tiếp, từ đó mang lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình hợp tác.

-8963-1660841083.jpg

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực, phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau phiên họp sẽ có một văn bản kết luận dựa trên các khảo sát, đánh giá; các báo cáo tham luận và những nội dung được trao đổi, thảo luận tại phiên họp.

Theo Bộ trưởng, cần phải tính đến các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn, chặt hơn, liên thông hơn, hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích hơn. Khi đề xuất chính sách phải vừa chú ý đến cái chung, vừa chú ý đến các trường theo từng nhóm lĩnh vực để phù hợp, hài hòa; trong đó đặt trọng tâm đến hệ thống các trường có liên quan nhiều đến DN.

Ba góc độ lớn được Bộ trưởng nhấn mạnh xem xét về các chính sách, gồm: Phương diện hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; liên quan đến mảng đào tạo và cuối cùng là sử dụng nguồn lực.

Phương diện về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có lẽ là nhóm có nhiều vướng mắc nhất, đã thảo luận nhiều nhưng cũng còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục thảo luận thêm. Tinh thần là những vấn đề thực tế vướng thì dũng cảm đề xuất, kể cả liên quan đến luật - dù con đường điều chỉnh là khó khăn, không thể một sớm một chiều.

Một số vấn đề cụ thể khác được Bộ trưởng nhắc đến trong nội dung này liên quan đến chính sách để làm sao hệ thống trang thiết bị khoa học, công nghệ, kỹ thuật của DN được sinh viên sử dụng nhiều; liên quan đến sử dụng kết quả nghiên cứu chung giữa hai phía; vấn đề DN khởi tạo, DN khoa học công nghệ… Về kiến nghị của đại diện Viettel, Bộ trưởng cho biết xem xét đến việc có cơ chế thí điểm cho Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với mảng đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, cần khuyến khích tăng cường chính sách để các DN tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hoạt động đào tạo của nhà trường. Dù đã có quy định trong một số văn bản, nhưng cần thêm nữa các chính sách cho nhóm này. Nhất là liên quan đến sự hình thành các chương trình đào tạo với sự tham gia mật thiết từ 2 phía, thậm chí tính đến khả năng đào tạo theo địa chỉ - đào tạo tại DN; thúc đẩy nhiều hơn sự tham gia của các nhân lực công nghệ và kỹ thuật trong các chương trình đào tạo và DN tạo điều kiện cho nhà khoa học tham gia nhiều hơn trong quy trình của DN; vấn đề sinh viên thực tập tại DN làm sao nhiều hơn, thực chất hơn…

Về sử dụng nguồn lực, trong đó có việc đầu tư, sử dụng nguồn lực từ cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính… của trường ĐH với DN và ĐH với trường ĐH, theo Bộ trưởng, đây cũng là vấn đề còn vướng, cần đề xuất chính sách tháo gỡ, thúc đẩy…

T.N