3 cách để sếp giúp nhân viên 'tận hưởng' công việc
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:00, 19/08/2022
Hầu hết nhà lãnh đạo không hiểu rõ phải làm thế nào để có thể tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ cho nhân viên của mình. Trong khi đó, chỉ khoảng 20% người lao động có tâm thế phấn khởi và tích cực hưởng ứng công việc, theo nghiên cứu năm 2021 của Gallup. Do đó, tạo ra môi trường làm việc mang lại niềm vui cho nhân viên đã trở nên điều cấp thiết.
Trên thực tế, bằng trực giác, nhiều nhà lãnh đạo nhận thức được tầm quan trọng của việc phải tạo ra môi trường làm việc vui vẻ, song phần lớn thường chật vật để triển khai. Dẫn một nghiên cứu từ Asana Labs, tạp chí Inc. cho biết, có 3 yếu tố cốt lõi mà nhà lãnh đạo phải đảm bảo để có thể tạo ra một môi trường làm việc mang đến niềm vui cho nhân viên.
1. Niềm vui sâu sắc chứ không phải thoáng qua
Yếu tố cốt lõi đầu tiên giúp nhân viên cảm thấy vui là khi các vấn đề khó khăn mà họ đối mặt được giải quyết. Theo nghiên cứu, các nhân viên cho rằng niềm vui đối với họ gắn liền với các hoạt động như:
- Các phiên thảo luận đa dạng và buổi trò chuyện về các chủ đề 'khó nuốt'.
- Các buổi 'động não' có liên quan đến công việc được tổ chức và triển khai hiệu quả.
- Cùng khơi gợi tư duy sáng tạo theo cặp hoặc nhóm.
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa niềm vui và việc giải quyết các vấn đề khó khăn, cần phân định giữa 2 loại niềm vui khác nhau: sâu sắc và thoáng qua.
Trong đó, niềm vui nông cạn có thể hiểu là niềm vui có được thông qua các trò chơi tại nơi làm việc như bóng bàn hay banh bàn. Ngược lại, niềm vui sâu sắc liên quan đến sự "được làm việc cùng những người có thể nâng tầm tư duy của bạn để giải quyết các vấn đề mới lạ, khó và quan trọng."
Với người lãnh đạo, niềm vui sâu sắc là mục tiêu cần hướng đến. Và, nếu vẫn cho rằng niềm vui tại nơi công sở không liên quan đến sự nhân viên của bạn được làm việc với những vấn đề khó khăn mà qua đó giúp nâng cao tư duy của họ, đã đến lúc suy nghĩ lại.
2. Sự bất ngờ
Thứ hai, niềm vui tại nơi công sở đến từ sự bất ngờ, khi nhiều người được nghiên cứu cho rằng, họ cảm thấy thích thú khi
- Có điều bất ngờ hay món quà, trải nghiệm vui thích
- Cùng đi đến một nơi ngẫu nhiên với đồng nghiệp trong ngày làm việc của tuần
- Có một buổi thảo luận, động não ngẫu nhiên
Khi cảm thấy bất ngờ, não bộ sẽ giải phóng dopamine - một hoócmôn và là chất dẫn truyền thần kinh thường được gọi là "hóa chất tạo khoái cảm".
Một ổ bánh, một thanh kẹo ngon hay một 'chầu trà sữa' bất ngờ có thể mang đến sự vui thích |
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Emory từng thí nghiệm phun nước trái cây vào miệng của những người tham gia. Trong đó, một số được phun nước trái cây vào các khoảng thời gian có thể dự đoán, trong khi số khác được phun một cách ngẫu nhiên. Khi so sánh ảnh MRI não bộ người tham gia, nhóm nghiên cứu nhận thấy nhóm không thể đoán trước giải phóng nhiều dopamine hơn.
Lần tới, khi thiết kế hoạt động mang đến niềm vui cho nhân viên, hãy cân nhắc tạo ra yếu tố bất ngờ.
3. Được cho thời gian để làm việc
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng khác là gắn liền với niềm vui là việc được cho thời gian làm việc hiệu quả. Cụ thể, nhiều nhân viên cảm thấy vui khi làm việc hiệu quả, dễ dàng và thậm chí là khi họp ít hơn. Theo họ, niềm vui công sở là khi:
- Làm việc trong một chiến dịch hoặc dự án được vận hành hiệu quả
- Có môi trường mà trong đó nhân viên làm việc dễ dàng
- Ngày làm việc không có các cuộc họp liên tiếp
Mối liên hệ giữa niềm vui và việc được ban cho thời gian này phản ánh tình trạng "đói thời gian" tràn lan mà vô số người lao động phải đối mặt trong nhiều thập niên. Theo một nghiên cứu của Gallup, hơn 60% người Mỹ đang làm việc nói họ không có đủ thời gian để làm tất cả những gì mình muốn mỗi ngày.
Theo đó, dù nhà quản trị có mong muốn tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ thế nào đi nữa, điều đó vẫn sẽ là bất khả thi, chừng nào nhân viên còn "ngập" trong các cuộc họp, bị "vướng tay, vướng chân" bởi những hạn chế và bị choáng ngợp bởi số lượng nhiệm vụ.