Doanh nghiệp dệt may, da giầy chưa sẵn sàng chuyển đổi số

Công nghệ - Ngày đăng : 01:31, 19/08/2022

Các ngành chủ lực, có tỷ lệ xuất khẩu cao, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn như dệt may, da giầy lại là những ngành có điểm sẵn sàng thấp nhất và tỷ lệ doanh nghiệp đứng ngoài cuộc cao nhất trong quá trình chuyển đổi số.
Doanh nghiệp dệt may, da giầy chưa sẵn sàng chuyển đổi số

Theo “Sổ tay chuyển đổi số Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ (LinkSME), ngành công thương nói chung của Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), với mức sẵn sàng toàn ngành là 0,53 điểm trong thang 5 điểm.

Trong số 17 ngành công nghiệp khảo sát, chỉ có ngành khai thác dầu khí là đang ở mức bắt đầu tham gia CMCN 4.0 với mức sẵn sàng là 1,16 điểm. Trừ khai thác dầu khí (thuộc nhóm khai khoáng), điểm số thấp phản ánh bức tranh chung của các ngành sản xuất.

“Điểm rất đáng lưu ý là các ngành chủ lực, có tỷ lệ xuất khẩu cao, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn như dệt may, da giầy lại là những ngành có điểm sẵn sàng thấp nhất và tỷ lệ doanh nghiệp đứng ngoài cuộc cao nhất”, sổ tay nêu rõ.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành cao su và nhựa, cơ khí, dệt may và da giày, tỷ lệ các doanh nghiệp đứng ngoài cuộc ở mức rất cao, trên 90%.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành dầu khí, điện, khí đốt, nước; hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản phẩm điện tử có tỷ lệ doanh nghiệp đứng ngoài CMCN 4.0 thấp hơn 75%.

Sổ tay đưa ra khuyến nghị, từ 3-5 năm tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cần tập trung vào khai thông các tắc nghẽn về hiệu quả, hiệu suất và an toàn hoạt động. Thực tế, vì trình độ và công nghệ quản lí hiện tại chưa cao, thay vì đầu tư mua sắm máy móc đắt đỏ, cần đầu tư đúng đắn, hợp lý sẽ có nhiều tiềm năng mở khoá năng lực sản xuất của máy móc, cơ sở vật chất sẵn có vẫn còn chưa được khai thác hết công suất thực sự có thể mang lại.

Cùng với đó, cần tập trung chủ yếu vào bước nền tảng xây dựng nhà máy tốt. Trong quá trình chuyển dịch cần lưu ý đến những vấn đề liên quan đến triết lý chuyển đổi số như sẵn sàng cho kết nối, mở rộng và tích hợp, để tránh xa vào bẫy vi tính hoá, cát cứ riêng lẻ từng bộ phận như giai đoạn tin học hoá kiểu cũ trước đây.

Kết hợp bài toán chuyển đổi số doanh nghiệp nói chung và trọng tâm chuyển đổi số trong sản xuất nói riêng, lộ trình gồm 3 giai đoạn phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Đó là tạo quan hệ gần gũi với nhà cung cấp và khách hàng, gia tăng hiệu suất vận hành tự thân, từ đó gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

T.N