Lịch sử chiếc khăn cài túi áo của quý ông
Phong cách sống - Ngày đăng : 03:31, 19/08/2022
Không phải lúc nào khăn cài túi áo cũng có hình dáng như bây giờ. |
Về cơ bản, khăn cài túi áo là một miếng vải nhỏ, được đặt trong túi ngực áo của blazer, jacket hoặc áo của suit. Nhìn nó, nhiều người lập tức liên tưởng tới khăn mùi xoa hay khăn tay. Tuy nhiên, không giống như các loại khăn thông thường, khăn cài túi áo chỉ có mục đích thẩm mỹ.
Với các bộ âu phục, đây là một trong những điểm nhấn đắt giá cho cả bộ trang phục và đôi khi còn là thông điệp thể thiện sự tinh tế của người mặc. Ngoài ra, chiếc khăn này cũng được xem là một cách để "đổi gió" nếu cảm thấy quá nhàm chán với những bộ suit quen thuộc.
Vì có hình vuông với kích thước phổ biến là 32x32cm (cỡ nhỏ) hoặc 42x42cm (cỡ lớn), nên món phụ kiện này còn được gọi là khăn vuông. Tuy nhiên, không phải lúc nào chiếc khăn này cũng có hình dáng như vậy, cũng như được sử dụng với mục đích thẩm mỹ, ít nhất là cho đến đời vua Louis XVI của Pháp.
Theo The Guardian, vua Louis XVI đã ban lệnh rằng tất cả khăn tay phải có chiều dài bằng chiều rộng, qua đó đặt nền tảng cho quy chuẩn kích thước của khăn cài túi áo.
Hiện, tại bảo tàng Louvre tại Pháp, có một bức chân dung vào thời Henry IV ở thế kỷ XVI vẽ một phụ nữ Paris cầm một chiếc khăn tay hình lục giác. Chính các nhà sản xuất đã thúc giục nhà vua ban sắc lệnh về hình dáng cố định của chiếc khăn tay bỏ túi, khiến nó ít nhiều trở nên vuông vắn kể từ đó.
Khăn cài túi áo hiện rất đa dạng trong thiết kế và chất liệu |
Đến nay, dù chất liệu, kiểu dáng thiết kế và màu sắc của khăn cài túi áo đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều, song kích thước của món phụ kiện thể hiện dấu ấn cá nhân này vẫn không thay đổi.
Nếu xem xét lịch sử, sẽ biết rằng khăn cài túi áo trước đây không phải vật dụng phổ biến với bất cứ ai như hiện tại, vì nó là biểu tượng cho danh dự cũng như địa vị của người sử dụng và thậm chí còn có ý nghĩa chính trị.
Theo The Guardian, dưới thời Cyrus Đại đế, người Ba Tư dùng khăn tay để vệ sinh cá nhân, vì sẽ là bất lịch sự nếu họ khạc nhổ hay hỉ mũi ở nơi công cộng.
Trong khi đó, giới thượng lưu Hy Lạp dùng khăn tay có mùi thơm để chấm mồ hôi hoặc lau bụi bẩn dính trên mặt.
Một số học giả cho rằng người góp phần phổ biến khăn cài túi áo là Vua Richard II của Anh ở thế kỷ XIV. Ông được biết đến là người luôn giữ một chiếc khăn trên người, và việc này đã nhanh chóng được giới quý tộc làm theo và cuối cùng (một vài thế kỉ sau), các tầng lớp thấp hơn cũng làm theo.
Điều này đã giúp khăn tay ngày càng trở nên phổ biến, đưa nó từ một mảnh vải vệ sinh cá nhân làm bằng cotton rẻ tiền thành chiếc khăn làm bằng lụa tốt cho quý ông.
Đến thế kỷ XVI và XVII, khăn tay tiếp tục trở thành biểu tượng của địa vị, với những chiếc khăn tay có thiết kế bằng lụa thêu và ren tốt được đánh giá rất cao, thậm chí trở thành vật gia truyền.
Sau đó, khi số đông người dân ở Tây Âu đều đã mang theo một chiếc khăn tay để trong túi quần, giới mày râu đã chuyển khăn tay sang túi ngực, giúp nó dần trở thành một phụ kiện thời trang. Lý do là túi quần không sạch sẽ, vì thường chứa tiền và những vật dụng khác.
Bước sang thế kỷ XIX, khi suit 2 mảnh trở thành xu hướng và các kỹ thuật gấp rút khăn mới được phổ biến hoá, cánh mày râu đã chuyển hẳn sang để khăn tay ở túi áo ngực trái. Phong cách này ngay lập tức được hưởng ứng và kéo dài cho đến tận 1 thế kỷ sau, trải khắp châu Âu lẫn Mỹ. Từ đó, chiếc khăn tay đặt trong túi áo làm bằng lụa, lanh hay cotton, có họa tiết hay không có họa tiết trở thành món phụ kiện mà bất cứ quý ông nào cũng mang theo.
Sau này, khi giấy vệ sinh dùng một lần xuất hiện và trở nên phổ biến trên thị trường, khăn tay đặt ở túi áo chính thức chỉ còn tác dụng về mặt thời trang. Đến cuối thế kỉ XX, khi quần jean, áo phông và quần áo công sở được lựa chọn nhiều hơn trong trang phục hằng ngày, chiếc khăn cài túi dường như biến mất, chỉ xuất hiện trong các sự kiện trang trọng nhất như đám cưới hay vũ hội, và chỉ thực sự trở lại trong nhiều năm gần đây.