10 thói quen của những nhà lãnh đạo đáng mến
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:00, 22/08/2022
Những lãnh đạo đầy uy quyền và một tầm nhìn “vĩ đại” có thể dẫn dắt nhân viên hiệu quả, nhưng không bền vững. Bởi họ thường lấn át, khiến nhân viên sợ hãi trước khi nhận ra khả năng của từng người. Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo được mọi người tin tưởng tuyệt đối, bạn phải là một lãnh đạo đáng mến.
“Khi có dịp gặp những nhóm khán giả nhỏ, tôi thường yêu cầu họ mô tả về những nhà lãnh đạo giỏi nhất và tồi nhất mà họ từng làm việc cùng. Mọi người chắc chắn sẽ bỏ qua những đặc tính bẩm sinh như thông minh, ngoại hình hấp dẫn…, thay vào đó, họ tập trung vào những phẩm chất hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát của lãnh đạo, như khiêm tốn, tích cực, dễ tiếp cận…”, TS. Travis Bradberry - đồng sáng lập, Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (Thông minh cảm xúc 2.0) cho biết trên CNBC.
Những phẩm chất này, và cả nhiều phẩm chất tương tự khác, phản ánh trí tuệ cảm xúc của nhà lãnh đạo. Dữ liệu nghiên cứu của TalentSmart từ hơn 1 triệu người cho thấy, những nhà lãnh đạo sở hữu các phẩm chất này không chỉ được yêu mến hơn mà còn có nhiều lợi thế hữu hình hơn so với những người khác.
Trở thành một nhà lãnh đạo đáng mến là việc hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, và vấn đề nằm ở chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ). Không giống như những phẩm chất bẩm sinh, như chỉ số thông minh (IQ), EQ là yếu tố bạn có thể cải thiện và nâng cao nhờ sự nỗ lực.
Sau đây là 10 thói quen quan trọng giúp các nhà lãnh đạo sở hữu EQ cao trở nên đáng mến hơn, theo TS. Travis Bradberry:
1. Thiết lập hiệu quả các kết nối cá nhân
Ngay cả khi ở trong một căn phòng đông người, nhà lãnh đạo đáng mến cũng khiến người đối diện thấy như họ mới là người quan trọng nhất và cả hai đang thực sự có một cuộc đối thoại riêng tư.
Các nhà lãnh đạo này sẽ truyền đạt thông tin theo cách rất cá nhân hóa, rất cảm xúc. Họ không bao giờ quên rằng người đứng trước mặt mình là một con người thực sự bằng xương bằng thịt.
2. Giúp người khác dễ tiếp cận
Nhà lãnh đạo đáng mến tin rằng tất cả mọi người, không phân biệt chức vụ, khả năng, đều xứng đáng với thời gian và sự chú ý của họ. Họ khiến người khác cảm thấy được tôn trọng giá trị vì họ thực sự tin như thế.
3. Hành xử khiêm tốn
Kiêu ngạo là một trong những thứ có thể “giết chết” tính đáng mến nhanh nhất. Nhà lãnh đạo dễ mến không hành động như thể họ tốt hơn người khác, vì họ không nghĩ như vậy. Thay vào đó, họ xem vị trí lãnh đạo của mình đồng nghĩa với trách nhiệm phục vụ mọi người.
4. Suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực được phản ánh trong cách nhà lãnh đạo dễ mến nhìn nhận mọi thứ. Họ không phải đang “thuyết trình” với ban lãnh đạo cấp cao mà là đang “chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng”, họ không “tham quan, kiểm tra nhà máy” mà là “gặp gỡ những người làm ra sản phẩm cho công ty”, họ không phải “ăn kiêng” mà là đang “trải nghiệm lợi ích của việc ăn uống lành mạnh”…
Thậm chí trong cả những tình huống tiêu cực không thể phủ nhận, họ cũng nhìn thấy được một niềm hy vọng cho tương lai.
5. Không để bị ngoại cảnh tác động
Cả thành công và thất bại của những nhà lãnh đạo được ưa thích đều được họ xem như là một sự tiến bộ. Họ tận hưởng thành công mà không để bị nó chi phối cũng như nếm trải thất bại mà không bị ám ảnh. Họ học hỏi từ cả hai và tiếp tục làm việc.
6. Hào phóng với nhân viên
Nhà lãnh đạo đáng mến luôn hào phóng chia sẻ những mối quan hệ, kiến thức và các nguồn lực khác mà họ có hoặc có thể tiếp cận. Họ muốn nhân viên làm tốt mọi thứ vì họ hiểu rằng đó là nhiệm vụ của họ khi làm lãnh đạo, và họ đủ tự tin để không bao giờ sợ bị “đe dọa” bởi thành công của nhân viên. Ngược lại, họ tin rằng thành công của nhân viên cũng là thành công của mình.
7. Chính trực
Không chỉ dùng lời nói, lãnh đạo dễ mến còn lan truyền cảm hứng và niềm tin thông qua hành động. Nhiều lãnh đạo khác nói rằng tính chính trực rất quan trọng với họ, còn nhà lãnh đạo có EQ cao thì dùng hành động để chứng minh điều đó mỗi ngày.
8. “Đọc” người khác như đọc một cuốn sách
Nhà lãnh đạo đáng mến biết cách “đọc vị” người khác vì họ biết những tương tác không lời thường quan trọng hơn những ngôn từ mọi người nói ra. Họ ghi nhận những biểu hiện gương mặt, ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu để biết được điều gì đang thực sự xảy ra với nhân viên.
Nói cách khác, họ có mức độ nhận thức xã hội cao – một kỹ năng EQ quan trọng.
9. Đánh giá cao tiềm năng
Không chỉ nhận ra ưu điểm lớn nhất của từng nhân viên, nhà lãnh đạo dễ mến còn đảm bảo rằng những người khác cũng có thể thấy được điều đó. Họ “vẽ ra” những phẩm chất tốt đẹp của nhân viên để mọi người đều nhìn thấy và tiến bộ hơn, từ đó làm việc tốt hơn.
10. Chia sẻ kiến thức và năng lực chuyên môn
Kiến thức và năng lực chuyên môn của nhà lãnh đạo rất quan trọng đối với sự thành công của những người “phò tá” họ. Những nhà lãnh đạo giỏi và đáng mến biết điều đó, nên họ thường xuyên kết nối mọi người lại để chia sẻ những tài sản vô hình này. Họ không giả vờ hay thổi phồng bất kỳ điều gì không phản ánh đúng con người mình.