Kinh nghiệm thành công khi 'mang chuông đi đánh xứ người' của công ty Nhật
Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 23/08/2022
Trước khi Covid-19 bùng phát, Nhật Bản là một trong những điểm du lịch phổ biến nhất với người dân Thái Lan. Ngoài du lịch, kể cả trà xanh và dây tây Nhật trồng tại Thái Lan cũng đang chiếm lấy cảm tình của người tiêu dùng xứ sở chùa Vàng, do sở hữu chất lượng cao hơn đối thủ trong nước, mà giá bán lại rẻ hơn loại nhập từ Nhật.
Theo Nikkei Asian Review, nông sản Nhật rất được tầng lớp trung lưu Thái Lan đón nhận, do muốn trải nghiệm chất lượng Nhật Bản với mức giá phải chăng - điều đã giúp doanh nghiệp Nhật tự tin "mang chuông đi đánh xứ người".
Nhu cầu trà xanh Nhật đang tăng
Ở tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan, những hàng chè mọc trên ruộng bậc thang tại đây trông không khác gì so với tại các đồn điền trà xanh ở tỉnh Shizuoka - trung tâm sản xuất chè của Nhật Bản. Maruzen Tea - doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trà xanh tại Shizuoka, đang khai thác các đồn điền này cùng một công ty Thái Lan có liên kết với Singha - nhà sản xuất bia lớn nhất xứ sở chùa Vàng. Dưới cái nắng gay gắt, Katsutoshi Furuhashi - CEO Maruzen Tea đích thân hướng dẫn những người trồng chè ở địa phương.
"Hãy nhanh chóng hái lá trà sau khi gỡ lớp vải che", ông nói, đề cập đến các lớp che phủ lên lá trà để bảo vệ chúng khỏi ánh mặt trời trước khi thu hoạch.
Chiang Rai là tỉnh thuộc vùng trồng chè nằm ở khu vực phía Bắc Thái Lan |
Maruzen Tea bắt đầu trồng chè ở Thái Lan sau khi trận động đất Tōhoku năm 2011 ngoài khơi Nhật Bản khiến doanh số trong nước của công ty sụt giảm - điều thúc đẩy họ bắt tay phát triển thị trường nước ngoài. Hiện, nhu cầu trà xanh đang tăng lên ở Thái Lan - nơi đồ ăn Nhật đang dần phổ biến. Tuy nhiên, trà nhập khẩu lại có giá gấp 3 lần trà tại Nhật Bản do bị áp thuế lên tới 90%.
Thế nên, Maruzen Tea đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh hứa hẹn để sản xuất trà ngay tại Thái Lan. Do quy định hạn chế quyền sở hữu doanh nghiệp nước ngoài tại nơi này, họ phải tìm đối tác địa phương để mở rộng thị trường và cuối cùng đã chọn Singha, khi nhà sản xuất bia này cũng sản xuất trà Trung Quốc ở Chiang Rai.
Đến năm 2014, hai bên thành lập một liên doanh để kinh doanh trà xanh và đã có lãi sau nhiều năm nỗ lực. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chính phủ Thái Lan phong toả toàn quốc hồi tháng 4/2020 do Covid-19, khiến doanh số trà xanh của liên doanh giảm đến 50%. Dù vậy, hoạt động tại các cánh đồng chè vẫn tiếp tục được duy trì và doanh số bán hàng đã tăng trở lại sau khi các biện pháp phòng dịch được dỡ bỏ
Trong đó, doanh số bán bột trà xanh cho các nhà hàng và quán cà phê đặc biệt tăng nhanh. Bột trà xanh được sử dụng chủ yếu để làm trà sữa matcha - thức uống ngày càng phổ biến ở Thái Lan. Do một chuỗi cà phê lớn đã đặt mua sản phẩm, các nhà máy hiện đã hoạt động hết công suất và vào tháng 7 qua, lãnh đạo Maruzen Tea cũng đã thảo luận kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất với Singha.
Dâu tây chất lượng, rẻ gấp 4 lần dâu nhập khẩu
Ngoài Maruzen Tea, Nihon Agri - một startup ở Tokyo chuyên xuất khẩu nông sản Nhật, cũng đang hoạt động ở miền Bắc Thái Lan. Startup này hiện sản xuất dâu tây ở Chiang Mai - thành phố lớn nhất ở miền Bắc Thái Lan. Do chi phí nhập khẩu lớn, công ty quyết định sản xuất dâu tây Nhật ngay tại Thái Lan để có thể cung cấp sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh nhất.
Được biết, dâu tây do Nihon Agri trồng ở Chiang Mai có chỉ số hàm lượng đường vào khoảng 10-11, thấp hơn mức trung bình là 12-13 của dâu tây trồng ở Nhật. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình là 6 của dâu tây địa phương. Và, trong khi dâu tây cao cấp nhập từ Nhật có giá khoảng 400 baht/100 gram, dâu tây trồng ở Chiang Mai được bán với giá 100 baht hoặc hơn. Dù đắt hơn nhiều so với dâu tây địa phương (khoảng 15 baht), nhưng vẫn phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng trung lưu Thái Lan.
"Rất khó để bán được dâu tây đắt tiền nhập từ Nhật Bản. Dâu tây Nhật trồng ở Thái Lan có thể giúp người tiêu dùng Thái biết đến chất lượng của dâu tây trồng tại Nhật và kích thích sự thèm ăn của họ với dâu tây nhập khẩu", Chủ tịch Nihon Agri Shohei Naito cho biết.
Dâu tây Nhật trồng ở Chiang Mai có giá rẻ hơn 4 lần so với dâu tây nhập từ Nhật, nhưng có chỉ số đường gấp đôi giống địa phương |
Hiện, trang trại dâu tây của Nihon Agri ở Chiang Mai tương đối nhỏ, diện tích khoảng 2.500 m2. Song, công ty đang có kế hoạch mở rộng trang trại lên 50.000 m2 trong 3 năm. Đây dự kiến là trang trại trồng dâu tây chất lượng cao lớn nhất châu Á, trừ các trang trại ở Trung Quốc. Nihon Agri đang đàm phán với nhiều công ty để tìm kiếm các hợp đồng hợp tác khả thi.
Theo Chủ tịch Naito, mọi việc trở lại bình thường sau đại dịch sẽ là một lợi thế cho hoạt động kinh doanh của công ty ông. Khi Nhật Bản mở cửa lại với du khách nước ngoài, nhiều người nước ngoài sẽ được trải nghiệm thực phẩm sản xuất tại Nhật - điều sẽ làm tăng số lượng người tiêu dùng nước ngoài muốn ăn đồ ăn Nhật tại đất nước của họ.
Trên thực tế, bản thân chính phủ Nhật nhiều năm qua đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản, song các quy định khác nhau lẫn chi phí vận chuyển thường gây trở ngại lớn cho hoạt động này. Do đó, hoạt động sản xuất tại chính các quốc gia khác sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá sản phẩm nông nghiệp Nhật.
Theo Nikkei Asian Review, các thị trường nước ngoài lớn nhất cho xuất khẩu nông sản của Nhật là Trung Quốc và Hồng Kông (19% mỗi nơi), tiếp theo là Mỹ (15%). Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là điểm đến lớn thứ 5 cho xuất khẩu nông sản Nhật (5%), Thái Lan đứng thứ bảy (3,8%) và Singapore đứng thứ tám (3,5%).
Hiroki Taniguchi - Giám đốc Bộ Nông nghiệp và Lương thực của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) ở Bangkok nhận định, Đông Nam Á là thị trường hứa hẹn cho xuất khẩu nông sản Nhật vì gần Nhật Bản và mức thu nhập đang tăng lên trong khu vực. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản Nhật phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo Naito, dâu tây trồng ở Trung Quốc và Hàn Quốc kém hơn của Nhật Bản về hương vị nhưng trông ngon và đắt hơn khoảng một phần ba. Ông nói rằng điều quan trọng là phải hạ giá thông qua sản xuất tại địa phương trong khi đẩy mạnh nỗ lực để làm cho chất lượng của dâu tây Nhật Bản được người tiêu dùng địa phương biết đến thông qua các mẫu miễn phí và các phương tiện khác.